Hỏi: Gần đây dịch dại bùng phát, nhiều người tử vong nhưng ở quê tôi nhiều người khi bị chó, mèo cào, cắn vẫn không đi tiêm vắc xin vì sợ ảnh hưởng tới trí nhớ và thần kinh. Xin hỏi, điều đó có đúng không?
Nguyễn Thế Anh (Thái Nguyên)
Tiêm vắc xin phòng dại có ảnh hưởng não? |
Trả lời: Dại được biết đến là bệnh nhiễm virus dại cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật bị dại sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Một người có nguy cơ cao mắc bệnh dại khi bị chó mèo mang virus dại liếm vào vết thương hở hay cào, cắn tạo vết trầy xước, chảy máu trên da, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương với tốc độ 12-24mm mỗi ngày. Những vết cắn càng sâu, càng nặng, càng gần hệ thống thần kinh trung ương thì virus dại di chuyển với tốc độ càng nhanh, thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, do đó nhìn bề ngoài con vật rất bình thường nhưng thực tế trong nước bọt đã có virus dại. Sau thời gian ủ bệnh (là 1-3 tháng, đôi khi có thể từ 10 ngày đến trên 1 năm), virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rất điển hình của bệnh dại.
Trước khi phát bệnh, người bệnh có thể có các triệu chứng như cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết cắn. Khi phát bệnh, lên cơn dại, tỉ lệ tử vong là 100%. Hiện nay chưa có thuốc gì có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại. Do đó, để bảo vệ tính mạng, ngay sau khi nghi ngờ bị chó mèo mắc bệnh dại cào, cắn, cần khẩn trương tiêm ngay vắc xin phòng dại và bám sát phác đồ tiêm phòng dại của Bộ Y tế để tránh được trường hợp xấu nhất xảy ra.
Hiện vắc xin dại thế hệ mới phải trải qua một loạt kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng. Vì vậy, sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, không gây tổn thương về thần kinh hay suy giảm trí nhớ như nhiều người lo lắng.
Chủ động tiêm phòng vắc xin dại là rất cần thiết để bảo vệ bản thân tránh khỏi hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tiêm vắc xin dại trước phơi nhiễm giúp cơ thể tránh được sự lây lan của virus dại và tiêm phòng vắc xin dại sau phơi nhiễm sẽ giúp ngăn ngừa sự tấn công của virus dại di chuyển theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.
Cần tiêm vắc xin phòng dại ngay lập tức nếu người có vết cắn ở gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ,.. hoặc vết cắn nằm ngay vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu các chi, cơ quan sinh dục,…
Tiêm phòng vắc xin dại kể cả khi bị động vật cào gây ra vết xước hoặc liếm vào các vùng da có vết thương hở, liếm vào niêm mạc hay các vùng dịch tiết khác trên cơ thể.
Ngoài ra, việc xử trí vết thương ngay sau khi bị động vật cắn là rất quan trọng. Phải rửa ngay thật kỹ vết cắn trong 10-15 phút bằng nước xà phòng hoặc nước sạch (nếu không có xà phòng), sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.
BS Trương Thị Hoa (Phó trưởng khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng)