Theo một đánh giá của E-commerce News Europe, tại châu Âu, doanh thu của ngành thương mại điện tử đã tăng từ 636 tỷ EUR vào năm 2019 lên 717 tỷ EUR vào năm 2020, tăng 12,72%, ít hơn mức tăng trưởng 14,22% của năm 2019, nguyên nhân chủ yếu do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
Phần lớn doanh thu trực tuyến vẫn chiếm đa số ở Tây Âu, khoảng 70% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của châu Âu. Nam Âu, Bắc Âu, Trung Âu và Đông Âu sở hữu thị phần thương mại điện tử thấp hơn nhiều, lần lượt là 15%, 7%, 6% và 1%.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1 - 2 năm so với kế hoạch đến 2025.
Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Tuy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng chịu ảnh hưởng nặng bởi hoạt động giãn cách xã hội tại các thành phố lớn, nhưng số lượng các đơn hàng qua các sàn thương mại điện tử liên tục tăng.
Lãnh đạo Shopee Việt Nam cho biết, lượng truy cập vào sàn của doanh nghiệp gấp rưỡi, số lượng đơn hàng gấp ba, việc mua bán trên mạng tốt nhưng một sự thật là Shopee đang gặp khó khăn để cung ứng dịch vụ này đến với người tiêu dùng do cầu nối đang bị đứt gãy nghiêm trọng.
Đại diện Lazada cho biết số người bán (Sellers) cũng như số đơn hàng trên Lazada đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam là từ 25 - 30%/năm. Doanh thu B2C của thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên thành 11,8 tỷ USD trong năm 2020.
Đây là những số liệu rất lạc quan của kinh tế số Việt Nam. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, đến năm 2025, quy mô doanh thu B2C trong thương mại điện tử Việt Nam là 35 tỷ USD, chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ trên cả nước.
Lượng tiền bỏ ra cho mua sắm trực tuyến của mỗi người dân Việt Nam năm 2020 là 240USD/người/năm. Tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 600USD/người/năm trong năm 2025.
Không chỉ kinh doanh trên nền tảng số phát triển, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác đều đang tận dụng công nghệ số để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, nhất là khi dịch Covid-19 đã lan rộng.
Nắm bắt xu hướng này, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đẩy mạnh việc đưa thương mại điện tử phổ thông hơn, và trở thành kênh kết nối giao thương cho người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ hội nhập kinh tế thế giới.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương và Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) đã ra mắt sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU (VEFTA), nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU.
Khi hoàn thiện, sàn thương mại điện tử này này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, thành phố, các ngành hàng, từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế, hiện nay các giao dịchsàn thương mại của Việt Nam sang EU còn đang sơ khởi. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi bắt đầu xây dựng được mô hình kinh doanh thương mại tại EU.
Dù đã đạt được một số tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung kinh tế EU vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải tập trung ứng phó, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nguy cơ tăng cao trở lại. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần có sự chủ động hơn trong việc tìm cách đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe của EU, từ đó có thể kinh doanh tốt hơn trên thị trường này.