Theo Reuters (Mỹ), trong phiên chứng khoán ngày 7/8, kim loại quý có thời điểm chạm 1.510 USD một ounce. Giá vàng thế giới đang ở vùng cao nhất trong vòng hơn 6 năm trở lại đây do đồng USD giảm giá. Theo các chuyên gia tài chính, có nhiều lý do cơ bản đằng sau đà tăng của vàng, giúp thị trường vượt mốc 1.500 USD. Rõ ràng vàng đang trở thành công cụ trú ẩn được ưa chuộng. Chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương, số liệu kinh tế yếu trên toàn cầu và căng thẳng thương mại đang hỗ trợ giá kim loại quý này.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tuần này tiếp tục căng thẳng. Tuần qua, Trung Quốc để giá đồng nhân dân tệ vượt mốc 7 CNY đổi một USD lần đầu tiên trong hơn 10 năm. Đáp trả, Washington tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Lập tức, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lao dốc và biến động tại Wall Street đã kéo giá vàng tăng. Lợi suất giảm cho thấy nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng nếu việc này xảy ra, vàng có thể vượt 1.650 USD một ounce.
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng dữ dội và vọt lên đỉnh cao mới trong bối cảnh triển vọng quan hệ Mỹ-Trung ngày càng mờ mịt, các thị trường tài chính vẫn chao đảo và nhu cầu tìm chỗ trú ẩn ở các loại tài sản an toàn tăng vọt. Nhiều dự báo cho thấy, giá vàng thế giới có lẽ vẫn duy trì đà tăng trong ít nhất từ 6-12 tháng tới.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng tăng dữ dội vọt lên đỉnh mới do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Trước đó, giá vàng thế giới đã 3 lần cán mốc 1.500 USD/ounce và có vẻ đang trong xu hướng tiếp tục tăng giá, mục tiêu vươn đến mốc kế tiếp 1.600 USD/ounce. Tính tới chiều ngày 8/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,600 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,150 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,220 triệu đồng/lượng (bán ra). Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước đã tăng hơn 2,2 triệu đồng/lượng.