Thực hư chuyện khách hàng tố bị TNG "lừa" tại dự án nhà ở KCN Đồng Văn

(khoahocdoisong.vn) - Đó là một nội dung trên băng rôn do hàng trăm người dân trưng ra tại trụ sở Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (nay thuộc Tập đoàn TNG), giữa trời nắng hơn 40 độ C. Đây là những khách hàng đã mua đất tại dự án Khu nhà ở KCN Đồng Văn của tỉnh Hà Nam, nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên không thể xây dựng nhà ở.

Thương vụ chuyển nhượng nhiều “kiện cáo”

Được biết, Dự án nhà ở KCN Đồng Văn có chủ đầu tư Công ty CP Phát triển Hà Nam (Công ty Hà Nam), với cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Thương tại Hà Nội và Công ty CP ATA do ông Phạm Văn Ảnh là đại diện. Tập đoàn TNG (bên B) đã mua lại qua nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Phát triển Hà Nam theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP ngày 21/4/2007.

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP ngày 21/4/2007. Tập đoàn TNG đồng ý tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Công ty Hà Nam bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án các hợp đồng và các công việc mà Chủ đầu tư cũ đã thực hiện.

Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP ngày 21/4/2007. Tập đoàn TNG đồng ý tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Công ty Hà Nam bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án các hợp đồng và các công việc mà Chủ đầu tư cũ đã thực hiện.

Theo hợp đồng chuyển nhượng, Tập đoàn TNG nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của bà Nguyễn Thị Thương và Công ty CP ATA đã góp vào Công ty Hà Nam. Điều 7.1 của hợp đồng này nêu: Bên B tiếp quản các quyền và nghĩa vụ của Công ty Hà Nam bao gồm nhưng không giới hạn việc nhận bàn giao dự án các hợp đồng và các công việc mà bên A đang thực hiện.

Trước đó, ngày 1/7/2004, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt quy hoạch Dự án này với diện tích đất khoảng 56,82ha. Sau đó, UBND tỉnh Hà Nam có Quyết định 242/QĐ-UBND phê duyệt và Quyết định số 117/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch dự án với diện tích 207,437m2. Ngày 6/12/2005 UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 1816 cho Công ty Hà Nam.

Sau khi thuộc Tập đoàn TNG, Công ty Hà Nam đã có một số đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Duy Tiên (Hà Nam), với nội dung “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng góp vốn vô hiệu” của một số tập thể cá nhân đã góp vào Công ty Hà Nam tại thời điểm Tập đoàn TNG chưa nhận chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 21/9/2012, TAN huyện Duy Tiên đã có bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST tuyên vô hiệu đối với Hợp đồng góp vốn số 29/HĐGV ngày 20/3/2007 của ông Phạm Hồng Sáu tại xã Châu Lý, Lý Nhân, Hà Nam với Công ty Hà Nam. Ngày 21/1/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam xử phúc thẩm cũng xử y án án sơ thẩm của Tòa án huyện Duy Tiên – Hà Nam.

Đáng lưu ý, Công ty Hà Nam cũng có một Giám đốc chi nhánh Hà Nội mang tên Phạm Hồng Sáu, trùng họ tên với người bị khởi kiện. Giả thiết nếu 2 ông Sáu này là một người, thì cũng không khác gì chuyện Công ty Hà Nam tự kiện mình để tạo án lệ giải quyết các tranh chấp tại Dự án nhà ở KCN Đồng Văn.

Ngày 25/4/2015, Công ty Hà Nam tiếp tục có khởi kiện ông Phạm Văn Giang (xã Chân Lý, Lý Nhân, Hà Nam) về bản góp vốn số 25/HĐGV giữa Công ty Hà Nam (khi chưa chuyển nhượng cho Tập đoàn TNG). Tại bản án sơ thẩm số 02/KDTM-ST ngày 29/9/2015, Tòa án huyện Duy Tiên đã tuyên vô hiệu bản góp vốn số 25/HĐGV nêu trên.

Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 01/2016/ĐKTM-PT ngày 29/2/2016 và ngày 8/3/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên bản góp vốn số 25/HĐGV có hiệu lực, và buộc các bên phải thực hiện đúng nội dung trong bản góp vốn.

Những tưởng, việc kiện cáo chỉ liên quan đến nội dung góp vốn giữa các nhà đầu tư với chủ đầu tư giai đoạn trước chuyển nhượng cổ phần của Công ty Hà Nam. Tuy nhiên, năm 2018, bất ngờ, ông Phạm Văn Ảnh đại diện cho các cổ đông của Công ty CP ATA có đơn tố giác tội phạm với ông Trương Minh Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Theo đơn tố cáo, trong khi giữa vợ chồng ông Ảnh, doanh nghiệp và người dân góp vốn đầu tư vào các dự án vẫn tranh chấp với Công ty Hà Nam, việc ông Trương Minh Hiển ra Quyết định số 1753/QĐ-UBND ngày 1/10/2018 duyệt quy hoạch điều chỉnh dự án này cho Công ty Hà Nam là trái quy định, tiếp tay cho doanh nghiệp lớn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Nam đã đình chỉ điều tra vụ án theo đơn tố cáo của ông Ảnh.

1.600 khách hàng “vướng” vào dự án?

Trở lại việc hàng trăm ngươi dân tới trụ sở Tập đoàn TNG hô khẩu hiệu tập đoàn này “lừa đảo”, một người dân cho biết, có khoảng 1.600 khách hàng đã “vướng” vào dự án này, tổng số tiền TNG đang chiếm dụng của khách hàng có thể lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nói TNG "lừa" có vẻ “oan” cho Tập đoàn này. Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, trong năm 2017 và đầu năm 2018, Công ty Hà Nam đã có các hoạt động đặt cọc, giữ chỗ với nhiều khách hàng. Nhưng, theo Báo cáo số 28/BC-BQL ngày 16/11/2017 của Ban Quản lý Phát triển (QLPT) khu đô thị mới tỉnh Hà Nam, dự án vẫn chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, dù ở dạng đặt chỗ trên sàn giao dịch. Hay văn bản số 10/BQL-KTHT ngày 22/1/2018 cũng của Ban này gửi UBND tỉnh Hà Nam và Sở Xây dựng khẳng định: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Như vậy, có chăng việc huy động vốn của Tập đoàn TNG chỉ là “lách luật”, chứ chưa đến mức là “lừa đảo” như người dân đang tố.

Ngày 22/06/2020, hàng trăm khách hàng đã mua đất tại Khu nhà ở cho Công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn II nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên không thể xây dựng nhà ở đã căng băng rôn tại trụ sở của Tập đoàn TNG.

Ngày 22/06/2020, hàng trăm khách hàng đã mua đất tại Khu nhà ở cho Công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn II nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên không thể xây dựng nhà ở đã căng băng rôn tại trụ sở của Tập đoàn TNG.

Mặt khác, theo một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phóng viên ghi nhận được, tại Điều 3 về tiến độ, phương thức thanh toán thì bên mua nhà phải thanh toán làm 3 lần. Lần 1 là 80% giá trị hợp đồng chuyển nhượng trong 10 ngày làm việc sau khi ký. Lần 2 là 15% tổng giá trị, dự kiến là sau 30 ngày kể từ ngày ký. Lần 3 là 5% tổng giá trị hợp đồng vào ngày theo thông báo của chủ đầu tư về việc bàn giao GCNQSDĐ.

Nếu căn cứ theo “câu - chữ” trong hợp đồng, thì các nội dung này chỉ quy định về tiến độ đóng tiền của khách hàng theo yêu cầu, cam kết với chủ đầu tư, chứ không đề cập về nội dung tiến độ đóng tiền phải gắn với tiến độ của dự án?

Về lần đóng tiền cuối 5% ghi rất rõ vào ngày theo thông báo của chủ đầu tư về việc bàn giao GCNQSDĐ. Như vậy, nếu chủ đầu tư không ấn định ngày cụ thể bàn giao GCNQSDĐ và đóng 5% còn lại, tức là hợp đồng chưa thể kết thúc. Điều này càng cho thấy, theo hợp đồng, chủ đầu tư chỉ bàn chuyện người mua nhà đóng tiền, chứ không cam kết bàn bàn giao GCNQSDĐ cụ thể vào thời gian nào.

Tất nhiên, hợp đồng là thỏa thuận trong điều kiện hoàn toàn tỉnh táo giữa người bán và người mua. Tức là, thực tế, khách hàng đã đồng ý với hợp đồng cho chủ đầu tư soạn và cung cấp, dù rằng trong hợp đồng ấy tịnh không "chốt" thời điểm chủ đầu tư bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ, sau khi đã nhận tiền của khách hàng.

Nên chăng, các khách hàng hãy là “nhà đầu tư thông thái” đọc thật kỹ hợp đồng, tìm hiểu kỹ về uy tín chủ đầu tư trước khi ký vào các hợp đồng. Đừng để giống như khách hàng tại dự án nhà ở KCN Đồng Văn, lại phải truy hô “lừa đảo”, hàm oan cho Tập đoàn TNG?

Theo Đời sống
back to top