Sáng 7/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu, các nhà sản xuất vaccine về công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa khọc và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân, Việt Nam đã được ghi nhận là điểm sáng trên thế giới về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ rộng rãi để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Trong đó, “chiến lược vaccine” là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết đinh để thoát khỏi đại dịch.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực bằng nhiều hình thức để mua được nhanh nhất, nhiều nhất vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhiều trên thế giới, năng lực sản xuất vaccine có hạn. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, khoa học, dự báo khả năng, nguồn lực, yêu cầu, nhiệm vụ trong sản xuất, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine sao cho hiệu quả.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng về một số kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của ngành y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Trong đó, nghiên cứu phát triển bộ kít chẩn đoán, kít kháng thể đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước phát triển thành công loại kít này. Phương pháp xét nghiệm RT-PCR bằng dịch hầu họng và nước bọt bước đầu cho kết quả tốt, có thể sớm đưa vào ứng dụng trong thời gian tới; Nghiên cứu sản xuất máy thở; phác đồ, phương pháp điều trị mới; phát triển và cấp phép vaccine; phát triển vaccine COVID-19 trong nước. Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 là vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen và vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang.
Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik V với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép áp dụng mọi cơ chế, chính sách ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công nghệ cao nhất đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19, đề nghị Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp với các Bộ ngành liên quan; bố trí kinh phí, hướng dẫn định mức chi cho thử nghiệm lâm sàng và kinh phí đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất đối với vaccine COVID-19 trong nước từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa đến 100% tổng mức kinh phí nghiên cứu, phát triển đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án đối với các dự án nghiên cứu vaccine phòng chống dịch và mức hỗ trợ tối đa đến 70% đối với các dự án chuyển giao công nghệ y tế khác; Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế, đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho người, các trung tâm thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng, nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn theo chuẩn quốc tế./.