Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Trong các ngày 23 và 26/9/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 20. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên liên quan đến Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ông Tô Anh Dũng.

Ông Tô Anh Dũng.

UBKT Trung ương nhận thấy, ông Tô Anh Dũng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; làm sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch Covid-19 bùng phát; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng.

UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Tô Anh Dũng và Nguyễn Quang Linh.

Liên quan vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đến nay, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 18 bị can.

Trong số 13 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ" có ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng ba cán bộ của Bộ Ngoại giao; 4 bị can bị khởi tố về tội "Đưa hối lộ" và 1 bị can bị khởi tố về về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Năm 2021, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước; cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành, đặc biệt thành viên Tổ công tác 5 bộ để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 người về nước.

Quá trình điều tra vụ án này, Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, combo đưa công dân Việt Nam về nước; danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty/doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai chuyến bay giải cứu, combo.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, theo điều tra, sau khi trừ các chi phí, các bị can trong vụ án đã trục lợi hàng tỷ đồng trong mỗi chuyến bay. Bộ Công an bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 7/2022, lãnh đạo cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra chính thức.

“Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của những người liên quan, bất kể đó là ai” - đại diện cơ quan An ninh điều tra nhấn mạnh.

Nguồn: Truyền hình báo PLVN

Theo Đời sống
back to top