Thu hẹp 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải để "hô biến" thành... gì?

Việc thu hẹp Khu Bảo tồn Tiền Hải (Thái Bình) từ 12.500 ha còn 1.320 ha để xây dựng khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng,... là đi ngược với quy hoạch về đa dạng sinh học, lâm nghiệp của quốc gia và các cam kết quốc tế.

Nêu quan điểm về việc UBND tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.000 ha Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Tiền Hải (Khu Bảo tồn Tiền Hải) để làm khu kinh tế, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng, việc chuyển đổi một diện tích lớn rừng ngập mặn để phục vụ các dự án phát triển kinh tế là không phù hợp.

Đi ngược quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia

Thu hẹp 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải có đi ngược các quy hoạch của Việt Nam về phát triển rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học?

Khu Bảo tồn Tiền Hải nằm trong danh mục các khu bảo tồn thiên nhiên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố, đồng thời nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường. Việc quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới khu bảo tồn phải tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp và về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường.

Tôi cho rằng, việc tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hẹp đến 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải hoàn toàn đi ngược các quy hoạch trên. Cụ thể, quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030 xác định rõ, đến năm 2030, diện tích những khu bảo tồn trên cạn đạt gần 3 triệu ha (tương đương 9% diện tích đất liền), tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Tức là hiện nay, theo quy hoạch bảo tồn, tất cả khu bảo tồn đã có là phải giữ gìn.

Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 quy định những khu bảo tồn không được chuyển đổi mà phải bảo vệ các hệ sinh thái đó. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng quy định, những khu bảo tồn đã được quyết định không được chuyển đổi sang việc khác. Do đó, việc Thái Bình quyết định chuyển đổi 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải là không phù hợp, thậm chí không đúng luật.

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon, chống xói lở, hạn chế ảnh hưởng của thủy triều, đồng thời ươm giống nguồn sinh vật biển để làm sinh kế cho cộng đồng. Việc chuyển đổi diện tích lớn như vậy để làm kinh tế khác là không phù hợp quy hoạch đa dạng sinh học và không phù hợp đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Việc thu hẹp diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải là trái với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Đa dạng Sinh học và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Từ năm 1994, Việt Nam tham gia vào Công ước Đa dạng Sinh học, hướng đến cam kết đưa diện tích khu bảo tồn lên khoảng 10% lãnh thổ. Hiện tại, tổng diện tích khu bảo tồn ở Việt Nam khoảng 5%. Do đó, dự thảo Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hay dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia do Bộ TN&MT đảm trách đều hướng đến tăng diện tích khu bảo tồn.

Một trong những giải pháp là giữ nguyên các khu bảo tồn cũ và chuyển hạng một số khu vực mới để tăng cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đáng chú ý, cả hai dự thảo quy hoạch này đều giữ nguyên Khu Bảo tồn Tiền Hải. Do đó, việc thu hẹp đến gần 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải là trái với quy hoạch, mục tiêu và cam kết của quốc gia.

Cam kết chính trị của Việt Nam tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, việc bảo tồn, phát triển diện tích rừng ngập mặn chính là thành tố mấu chốt để chúng ta thực hiện cam kết. Thu hẹp diện tích trên sẽ làm mất uy tín của Việt Nam với quốc tế.

Thái Bình có trách nhiệm thế nào?

Trách nhiệm của việc thu hẹp trên phải nói đầu tiên là người đứng đầu: Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải và theo đó mới là doanh nghiệp…?

Việc chuyển đổi hơn 11.000 ha Khu Bảo tồn Tiền Hải để Thái Bình làm khu kinh tế. Thu hẹp quy mô khu bảo tồn và quy hoạch bao quanh là các dự án khu đô thị, du lịch, sân golf sẽ tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng của khu bảo tồn như bảo vệ môi trường, sinh cảnh, quần thể sinh vật, giảm vai trò phòng hộ ven biển. Đồng thời, nó ảnh hưởng cuộc sống và sinh kế của người dân vùng ven biển.

Rõ ràng người đứng đầu của tỉnh Thái Bình phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, bởi vì đây là chủ trương lớn. Những lãnh đạo của tỉnh Thái Bình như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến lãnh đạo huyện Tiền Hải, sau đến các doanh nghiệp, phải suy nghĩ về vấn đề này. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, việc bảo vệ rừng ngập mặn là rất quan trọng đối với phát triển nông nghiệp.

UNESCO yêu cầu làm rõ việc thu hẹp gần 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải, nguy cơ đối diện bị tước danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển Đồng bằng châu thổ sông Hồng hiện hữu?

Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển Đồng bằng châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004, nằm trên địa bàn 6 huyện (Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Tiền Hải, Thái Thuỵ và Kim Sơn) thuộc 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Đây là một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam với tổng diện tích hơn 137 nghìn ha, gồm vùng lõi (14.842 ha), vùng đệm (36.951 ha), vùng chuyển tiếp (85.468 ha).

Trong đó, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển gồm Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Khu Bảo tồn Tiền Hải. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn các loài chim hoang dã quý hiếm.

Có thể thấy, UNESCO đã công nhận Khu Bảo tồn Tiền Hải là một trong những vùng lõi trong khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Việc giảm gần 90% quy mô khu bảo tồn là làm trái ngược với quyết định của UNESCO, mang tiếng đối với Việt Nam.

Theo đó, khung pháp lý của Mạng lưới Toàn cầu các Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới quy định, những khu dự trữ sinh quyển cần đáp ứng 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 và thứ 5 là có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng gồm bảo tồn, phát triển và hỗ trợ cũng như được phân vùng cụ thể nhằm thực hiện ba chức năng (gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp).

“Việc thu hẹp đến gần 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải là trái với quy hoạch, mục tiêu và cam kết của quốc gia”.

Việc giảm gần 90% diện tích Khu Bảo tồn Tiền Hải ảnh hưởng việc đáp ứng các tiêu chí của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

Tôi cho rằng, kinh tế vô cùng quan trọng, nhưng đường lối của Đảng tại Đại hội XIII có nói không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, dù với bất kỳ lý do nào. Vì thế, Thái Bình nên suy nghĩ lại việc chuyển đổi hơn 11.000 ha đó để có những giải pháp hợp lý, phù hợp các quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh!

Về việc điều chỉnh diện tích, ranh giới Khu Bảo tồn Tiền Hải chưa có ý kiến của Bộ TN&MT, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thái Bình, trả lời báo chí rằng, Khu Bảo tồn Tiền Hải thực tế chỉ là khu rừng đặc dụng, được tỉnh thành lập theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nên không chịu ràng buộc bởi Luật Đa dạng Sinh học. Việc thay đổi diện tích nằm trong thẩm quyền của tỉnh Thái Bình và không cần xin ý kiến Bộ TN&MT.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Tiền Hải được xác định là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng - khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, phong phú với 215 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới. Khu bảo tồn cũng có vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông, đảm bảo an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực.

Tháng 4/2023, UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định 731 xác định ranh giới Khu Bảo tồn Tiền Hải. Diện tích mới còn 1.320 ha so với 12.500 ha trong quy hoạch trước đó tại quyết định 2159 năm 2014. Phần diện tích chuyển đổi sẽ được xây dựng thành khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

Căn cứ để UBND tỉnh Thái Bình ban hành quyết định 731 là để phù hợp quyết định 1486 do Phó Thủ tướng ký ngày 28/10/2019, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Đời sống
Cụ bà 102 tuổi còn bị u nang buồng trứng xoắn

Cụ bà 102 tuổi bị u nang buồng trứng xoắn

U buồng trứng xoắn là hiện tượng khối u nang buồng trứng ở người phụ nữ bị xoắn lại. Đây là bệnh lý cấp cứu cần phải được phẫu thuật kịp thời nếu không khối u có thể vỡ, hoại tử gây viêm phúc mạc, sốc do nhiễm trùng...
Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội,...
back to top