Thời tiết dị thường khó dự báo

(khoahocdoisong.vn) - Những đợt lạnh kéo dài với nhiệt độ thấp  kỷ lục, trong khi dự báo mùa đông năm nay ấm do ảnh hưởng của chu kỳ El Nino, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm.

Đợt rét đậm nhất trong 10 năm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 29/12 miền Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất, nhiệt độ tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dao động từ 8-11 độ C ở vùng đồng bằng, vùng núi khoảng 4-7 độ C, vùng núi cao là dưới 3 độ C. Đây là đợt rét mạnh nhất từ đầu mùa Đông đến nay, tương đương đợt rét kỷ lục cách đây 10 năm (năm 2008).

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia) cho biết, đợt rét này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 3-4/1/2019, khả năng băng giá cũng sẽ kéo dài như vậy; nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của con người, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. "Chúng tôi đánh giá đợt rét này là mạnh nhất của mùa Đông năm nay tính đến thời điểm này, có thể so sánh gần bằng đợt rét đậm kỷ lục ở Bắc Bộ trong năm 2008 và một số đợt khác" - ông Năng đánh giá.

Từng nhận định mùa đông năm lạnh sẽ không lạnh do ảnh hưởng của El Nino, PGS.TS Phạm Đức Thi, Trung tâm KH&CN Khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, tính theo nhiệt độ trung bình thì năm nay vẫn cao hơn trung bình nhiều  năm, nhưng vẫn không tránh khỏi các đợt rét đậm, rét hại, thậm chí là băng tuyết.

Bởi không khí lạnh cũng là một dạng thời tiết cực đoan, hậu quả của biến đổi khí hậu. Càng ngày, băng giá, tuyết, mưa, không khí lạnh… sẽ càng bất thường, có thể xuất hiện ở những nơi hoặc thời điểm mà chưa từng xuất hiện. Các quy luật thời tiết thông thường bị phá vỡ. Do đó, dù trong xu thế ảnh hưởng của El Nino thì vẫn không tránh được các đợt rét sâu.

“Theo quy luật, sau đợt rét đậm này thời tiết sẽ nắng ấm lên, nền nhiệt độ vẫn sẽ cao. Không có chuyện rét đậm kéo dài suốt cả tháng như nhiều người nghĩ. Do thời tiết ngày càng dị thường nên xác xuất đúng trong dự báo sẽ thấp hơn”, PGS.TS Phạm Đức Thi cho biết.

Đề phòng các cơn bão bất thường

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, một áp thấp nhiệt đới cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 370 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, sau 72 giờ tới có thể vào Biển Đông sau đó có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo các mô hình dự báo của Mỹ và Nhật áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão. Khả năng sẽ quét ngang Mũi Cà Mau hoặc lệch xuống phía nam Mũi Cà Mau một chút. Nguyên nhân là do không khí lạnh có cường độ mạnh tràn về dồn dập đẩy tâm bão lệch về phía nam. Cơn bão này cũng sẽ gây mưa trái mùa trên diện rộng ở khu vực Nam bộ.

PGS.TS Pham Đức Thi cho rằng, sự bất thường của cơn bão chính là thời điểm xuất hiện của nó. Thường thì thời điểm này rất hiếm khi xuất hiện bão. Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan trong lịch sử ngành khí tượng. Song các hình thái thời tiết dị thường lại xuất hiện với tầng suất ngày một nhiều hơn trong vài năm gần đây.

Mặt khác, khu vực mà khả năng bão đi ngang là Mũi Cà Mau hoặc lệch về phía nam. Đây là vùng biển êm và vào mùa này ngư dân thường đi đánh bắt xa bờ. Khi bão đi ngang khu vực này dự báo vẫn còn cường độ mạnh. Chính vì vậy cần cảnh báo sớm để đề phòng những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

“Bão đang ngày có xu hướng dịch chuyển về phía Nam, xuất hiện trái mùa và ở những khu vực chưa từng có bão, vì thế công tác dự báo có vai trò rất quan trọng, tránh gây ra những thiệt hại đáng tiếc như những trận bão đã từng xảy ra trong khoảng hai chục năm trở lại đây như cơn bão Linda năm 1997”, PGS. TS Phạm Đức Thi cho biết.

“Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ nóng lên. Mặt nước biển ấm lên khoảng 26-27 độ C là điều kiện lý tưởng để bão hình thành”, PGS.TS Phạm Đức Thi.

Theo Đời sống
back to top