Cụ thể, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, 16+ khiến công nhân đi lại khó khăn, doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Trong khi đó, phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "2 địa điểm, 1 cung đường" là một giải pháp vẫn còn nhiều lý thuyết và chưa có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Bởi nhà máy doanh nghiệp vốn không có công năng là chỗ ăn, ngủ, nghỉ. Đối với một số doanh nghiệp sợi, dệt do hoạt động sản xuất chủ yếu là máy móc, không cần nhiều công nhân thì việc bố trí chỗ ăn ngủ nghỉ còn dễ, nhưng đối với doanh nghiệp như ngành may mặc, rất khó để đáp ứng một cách nhanh chóng các cơ sở vật chất về chỗ ăn, ở và sinh hoạt cho công nhân.
Thực hiện phương án "3 tại chỗ" khiến doanh nghiệp phải "gánh" thêm chi phí phát sinh trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được phương án này.
Điều này dẫn đến tỷ trọng các doanh nghiệp ngành dệt may phải đóng cửa hiện nay chiếm đến 35%. "Đặc biệt nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ buộc phải đóng cửa vĩnh viễn sau giai đoạn khó khăn này", ông Giang cảnh báo.
Đại diện của Vitas cho rằng, văcxin chính là lời giải tối ưu nhất cho doanh nghiệp dệt may trong thời điểm này. Đẩy nhanh tiêm phòng cho công nhân là vấn đề cấp bách và đặc biệt cần thiết do tỷ lệ được tiêm văcxin của ngành dệt may hiện nay còn rất thấp.
"Theo Vitas cập nhật tại TPHCM, hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã được tiêm văcxin cho công nhân. Tuy nhiên, còn 18 tỉnh khác tỷ lệ vẫn còn rất thấp. Các doanh nghiệp trọng tâm ngành may chủ yếu ở miền Tây và Đông Nam Bộ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh từ miền Trung đổ vào chiếm đến 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Chính vì vậy, điều cấp bách hiện nay là Chính phủ cần đánh giá thực trạng ngành để có chính sách phân bổ văcxin về địa phương cho các tỉnh.
Ông Giang cho biết thêm, hiện nay, chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đã đứt gãy đến 90%.
Theo số liệu của Vitas, trong 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt 18,7 tỷ USD, trong khi mục tiêu của cả năm 2021 là 39 tỷ USD.
"Trong 5 tháng cuối năm, các doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8. Trong kịch bản lạc quan nhất, chúng tôi chỉ có thể đạt được khoảng 32 - 33 tỷ USD trong năm nay", ông Giang dự báo.