Giảm cả cung lẫn cầu
Sau hơn 3 tháng xảy ra dịch Covid-19, đến nay các doanh nghiệp đã hao mòn khả năng chịu đựng, không ít doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm. Mới đây, Tập đoàn Phú Đông cho biết đã có kế hoạch mở bán dự án căn hộ vào khoảng thời gian cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch, kế hoạch này đã phải thay đổi ở phút cuối.
“Hiện cả nước đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cấm tụ tập đông người, kêu gọi người dân ở trong nhà. Trong khi đó, đặc thù của bất động sản là phải bán hàng tập trung đông người để tạo hiệu ứng. Nhưng với tình hình này, không ai dám ra đường, chứ đừng nói đến việc đi mua bất động sản. Ai cũng thủ tiền mặt, không dám đầu tư và chi tiêu nhiều vào lúc này, nhất là bất động sản với đặc thù là vốn lớn. Khi nào hết dịch bệnh chúng tôi mới tính tới kế hoạch mở bán trở lại cho chắc ăn. Dự án không triển khai nhưng bộ máy vẫn phải nuôi, các chi phí mỗi tháng vẫn phải bỏ ra rất lớn” - ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông nói.
Mạnh dạn hơn, chủ đầu tư một dự án bất động sản lớn tại khu vực phía tây TPHCM cho biết đang mở bán khoảng 500 căn hộ, với số lượng huy động khoảng 24 sàn giao dịch bất động sản tham gia. Từ hơn 1 tháng nay chi phí bỏ ra để marketing, chăm sóc khách hàng, xây dựng là rất lớn nhưng chỉ có được 4 khách hàng đặt cọc. “Đi qua nhiều cuộc khủng hoảng, gần nhất là cuộc khủng hoảng năm 2008 trong lĩnh vực bất động sản kéo dài đến mấy năm tôi cứ tưởng là “tàn khốc” nhất, nhưng đại dịch lần này mới thực sự làm tôi thấy ớn lạnh vì gây thiệt hại quá lớn” - vị này ngao ngán.
Phân khúc căn hộ đã giảm nguồn cung đến mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Nguồn: DKRA Vietnam |
Theo DKRA Vietnam, quý 1/2020, tại TPHCM có 3 dự án mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so với nguồn cung mới của quý trước (khoảng 677 nền), và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là quý có nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 81% (khoảng 142 nền), giảm 77% so với lượng tiêu thụ của quý trước và giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019.
Khu vực phía Đông thành phố dẫn đầu về nguồn cung mới lẫn tỷ lệ tiêu thụ. Các dự án mới đa phần tập trung ở khu vực vùng ven như quận 9, Bình Chánh, Nhà Bè… Mặc dù khan hiếm nguồn cung mới trong quý 1/2020, nhưng thị trường không có nhiều diễn biến tích cực, khi giao dịch thứ cấp giảm mạnh và mức giá thứ cấp cũng có dấu hiệu giảm.
Quan sát tại các tỉnh giáp ranh TPHCM (Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) trong quý 1/2020, nguồn cung mới và sức cầu giảm đáng kể so với quý trước, ngoại trừ thị trường Bình Dương do Thuận An và Dĩ An được nâng cấp lên thành phố. Ở các khu vực còn lại, mức thanh khoản khá kém dù nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn với nhiều hình thức khuyến mãi, chiết khấu, tặng vàng... Mặt bằng giá các dự án mở bán mới trong quý ghi nhận mức tăng nhẹ từ 3 - 5% so với quý 4/2019.
Giúp doanh nghiệp vượt khó
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó và vượt qua khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - nhiều tuần trở lại đây, loạt cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ.
“Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…” - lãnh đạo HoREA cho hay.
Theo Chủ tịch HoREA, tác động của Covid-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp đến, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản.
Đại dịch khiến doanh nghiệp tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu. Đồng thời làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Tất cả những khó khăn này được ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.
Theo vị này, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”. Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị nhằm “cứu nguy" cho thị trường như bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 03-06/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
HoREA kỳ vọng, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.