Ngay sau đó, giữa tháng 1/2022, hai nhóm cổ phiếu này lại tiếp tục tỉ lệ nghịch với nhau. Sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá khu Thủ Thiêm và FLC vi phạm, cổ phiếu bất động sản điều chỉnh mạnh 30-50%.
Lúc này, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tăng 10-20% mỗi cổ phiếu. Nhưng chỉ được vài phiên để đỡ thị trường lúc nhóm bất động sản tìm đáy.
Giữa tháng 2, nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại điều chỉnh giảm mạnh.
Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại diễn biến luân chuyển nhanh chóng của dòng tiền với tốc độ nhanh này. Nhà đầu tư, nếu "đứng núi này trông núi nọ" sẽ không có kết cục tốt. Nhất là khi dòng tiền bị suy giảm, không còn mạnh để cùng một lúc đánh lên tất cả các dòng cổ phiếu.
Thực tế, thanh khoản thị trường đang ở mức khiêm tốn chỉ từ 15.000 - 23.000 tỷ đồng sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, thua xa so với mức 30.000 - 40.000 tỷ của giai đoạn cuối năm 2021.
Đặc biệt, bất động và ngân hàng là hai nhóm có vốn hoá lớn nhất thị trường. Trong đó, bất động sản chiếm 23% vốn hoá của VN-Index, ngân hàng chiếm 30% vốn hoá VN-Index.
Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, cách đánh luân phiên ngân hàng giảm thì bất động sản tăng, bất động sản giảm thì ngân hàng gồng gánh cũng là cách điều tiết thị trường, giữ chân dòng tiền ở lại thị trường.
Nếu cùng lúc hai nhóm đều giảm mạnh hay tăng mạnh sẽ tạo ra sự biến động rất lớn về chỉ số VN-Index.
Nhất là khi, những biến động địa chính trị thế giới vẫn đang rất khó lường khiến cho các nhà đầu tư lớn vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc, do đó, VN-Index chưa có động lực tăng mới.