Thí điểm công nghệ xử lý nước thải, mở “lối vào” thị trường tiềm năng ?

(khoahocdoisong.vn) - Công ty JVE và các đối tác không chỉ đưa công nghệ xử lý ô nhiễm sông, hồ của Nhật vào Hà Nội mà đã và đang mang đến nhiều địa phương khác trên cả nước, hầu hết bằng phương thức "thí điểm". Chưa nói đến cơ hội nhân rộng nhưng thị trường xử lý ô nhiễm nước thải Việt Nam còn đầy tiềm năng.

Cách “vào” thị trường xử lý ô nhiễm

Như chúng tôi đã thông tin, đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đang đưa vào Hà Nội công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản thông qua việc thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn nước sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Dự án này chính thức được khởi công vào ngày 16/5.

Dự kiến, việc thí điểm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch sẽ được triển khai, đánh giá kết quả, tính khả thi và công bố kết quả thí điểm. Nhưng vào tháng 7/2019 với những đợt xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch vừa qua đã ảnh hưởng đến kết quả thí điểm khiến thời điểm công bố kết quả thí điểm phải lùi lại.

Sau hàng loạt những khó khăn trong quá trình thử nghiệm công nghệ Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản vẫn quyết tâm thực hiện. Mới đây hình ảnh chuyên gia Nhật Bản hụp lặn, tắm, gội bằng nước sông Tô Lịch đã được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor trước công chúng như muốn phần nào chứng minh trực quan giá trị công nghệ “bảo bối” mang đến Hà Nội.

Kết quả thí điểm chính xác, khách quan đang được các dư luận chờ đợi, bởi người dân đang kỳ vọng vào một công nghệ tối ưu của Nhật Bản, giải bài toán nan giải ô nhiễm sông, hồ Hà Nội bấy lâu nay.

Công ty JVE dù mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2017 nhưng từ đó đến nay doanh nghiệp này cũng đã kịp phối hợp với các đối tác đưa công nghệ của Nhật Bản vào một số tỉnh, thành trên cả nước trong đó có: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội,...

Tại Hải Phòng vào năm 2017, Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản và Công ty JVE đã tài trợ xử lý ô nhiễm nước hồ Hạnh Phúc bằng bột Bakture của Nhật Bản. Qua gần 2 tháng triển khai kết quả ban đầu được đánh giá là mức độ ô nhiễm hồ giảm đi rõ rệt, đạt yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Cuối tháng 6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã cho phép JVE được áp dụng thí điểm sử dụng bột Bakture xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 4 hồ điều hòa của TP Hạ Long (Ao cá, Kênh Đồng, Hùng Thắng và Yết Kiêu). Thực tế việc thử nghiệm đã được triển khai tại hồ điều hòa Hùng Thắng, đánh giá chung mức độ ô nhiễm đã giảm, hồ sạch hết mùi và nước trong.

Ngoài ra, tại An Giang Công ty JVE cũng đã hợp tác với một doanh nghiệp để thực hiện dự án xử lý nước ao nuôi cá tra bằng công nghệ thiên nhiên Nano - Bioreactor.

Chưa xét đến thiết bị, công nghệ, chi phí đầu tư, mục tiêu thương mại, cơ hội nhân rộng,..., nhưng có thể thấy rằng Công ty JVE và đơn vị phối hợp đang rất tích cực trên con đường đưa ứng dụng công nghệ Nhật vào Việt Nam để xử lý ô nhiễm sông, hồ theo một cách riêng.

Ngoài Hà Nội, Công ty JVE và các đơn vị phối hợp đã và đang thí điểm xử lý ô nhiễm sông, hồ tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ngoài Hà Nội, Công ty JVE và các đơn vị phối hợp đã và đang thí điểm xử lý ô nhiễm sông, hồ tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Về nhóm cổ đông

Công ty JVE có trụ sở chính tại Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 Liễu Giai, TP Hà Nội với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là thoát nước và xử lý nước thải.

Công ty JVE do 03 cá nhân họ “Nguyễn” đều có thời gian đăng ký chỗ ở hoặc hộ khẩu thường trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội góp vốn thành lập chứ hoàn toàn không được sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân Nhật Bản hay các nước khác. Cụ thể, bao gồm: Nguyễn Đức Thanh (SN 1985), Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1988), và ông Nguyễn Tuấn Anh.

Công ty có số vốn điều lệ chỉ là 1,5 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Tuấn Anh đăng ký góp 1,47 tỷ đồng để nắm giữ 98% cổ phần; còn lại Nguyễn Đức Thanh và Nguyễn Thị Ngọc Bích mỗi cá nhân chỉ đăng ký góp 15 triệu đồng để nắm giữ 1% cổ phần.

Ông Nguyễn Tuấn Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty JVE và đang là nhân vật khá nổi trên các phương tiện thông tin đại bởi thường xuyên có những phát ngôn xung quanh câu chuyện đưa công nghệ Nhật để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch thời gian gần đây.

Nhưng nên biết ông Nguyễn Tuấn Anh vốn là “ông chủ” của một doanh nghiệp kinh doanh chính bằng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường chủ yếu là Nhật Bản. Cụ thể, vị này là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn JVS.

Công ty CP Tập đoàn JVS thành lập từ tháng 5/2016, cũng đặt trụ sở chính tại Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 Liễu Giai, TP Hà Nội. Thời điểm thành lập doanh nghiệp này có vỏn vẹn 6 tỷ đồng vốn điều lệ, do 08 cổ đông cá nhân góp vốn thành lập. Trong đó, cả ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Nguyễn Đức Thanh, và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng đều tham gia góp vốn để nắm giữ cổ phần tại Công ty JVS.

Như vậy, có thể thấy việc “lấn sân” kinh doanh công nghệ xử lý ô nhiễm nước thải đang là hướng đi mới của nhóm cá nhân này. Nếu có được các kết quả thí điểm xử lý ô nhiễm sông, hồ tại Việt Nam bằng công nghệ Nhật Bản được tốt thì đây sẽ là cơ hội lớn giúp JVE phát triển trên lĩnh vực này. Nên nhớ xử lý ô nhiễm sông, hồ tại các tỉnh, thành Việt Nam vẫn còn là một thị trường lớn đầy tiềm năng.

Theo Khoa học & Đời sống
back to top