Thay vì xóa sổ Covid-19, châu Âu tìm cách sống chung với dịch bệnh

Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Âu đang chuyển sang chế độ lâu dài khi các quốc gia như Đức, Italy và Pháp thay đổi cách tiếp cận từ chấm dứt hoàn toàn sang sống chung với dịch bệnh.

Không kỳ vọng dịch bệnh sẽ biến mất

Chính phủ các nước châu Âu đang lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường, ban hành quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 trước khi mùa Đông tới. Không giống như ở Mỹ, nơi một số bang đang nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế vì lạc quan rằng virus sẽ dần biến mất, châu Âu không kỳ vọng nhiều vào việc đại dịch sẽ chấm dứt. Tại châu Âu, số ca mắc đã tăng đột biến trong suốt mùa Xuân và mùa Hè vừa qua.

Đức, quốc gia chưa từng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế cho biết, chỉ những người được tiêm phòng, những người đã hồi phục sau khi mắc bệnh và người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới có thể đến các nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm trong nhà khác. Việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc trong các không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng, ngay cả với những người đã được tiêm phòng.

Tại Berlin – nơi năm học mới bắt đầu vào tháng 8, trẻ em phải đeo khẩu trang trong khuôn viên trường học và được xét nghiệm Covid-19 vài lần một tuần. Chính phủ trước đó đã viết thư cho các gia đình có trẻ em đủ điều kiện tiêm vaccine để khuyến khích phụ huynh cho con cái đi tiêm.

Các quốc gia khác gồm Pháp và Italy cũng ngày càng coi việc tiêm phòng, phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính là những điều kiện tiên quyết để người dân có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các chủ nhà hàng không kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng có nguy cơ bị phạt 9.000 euro (khoảng 10.600 USD) và một năm tù. Tại Mỹ, một số thành phố và tiểu bang như California thời gian gần đây cũng công bố các hạn chế tương tự.

Vaccine ngừa Covid-19 đã làm giảm số ca bệnh nặng và ca tử vong, nhưng biến thể Delta có độc lực cao đã làm lu mờ hy vọng chiến thắng đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đây. Các nhà khoa học cho biết, kế hoạch của những quốc gia nói trên nhấn mạnh thực tế rằng, dịch Covid-19 sẽ không biến mất nhanh chóng như khi nó xuất hiện, mà thay vào đó sẽ trở thành một căn bệnh hô hấp thông thường, chẳng hạn như cúm mùa.

Giới khoa học vẫn chưa đánh giá được mất bao lâu để Covid-19 trở thành căn bệnh thông thường, nhưng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch sẽ sớm lùi vào quá khứ và chính phủ các nước sẽ không còn phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để kiểm soát sự lây nhiễm. 

“Học cách sống chung với dịch bệnh”

Số ca mắc đang có chiều hướng giảm tại châu Âu. Wall Street Journal dẫn phân tích từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu và chính phủ Anh cho biết, số ca mắc trung bình trong 7 ngày tính đến ngày 15/8 tại Liên minh châu Âu và Anh là 95.500 ca, hoặc 186 ca mắc/1 triệu người, giảm 14% so với mức đỉnh điểm cuối tháng 7.

Trong khi đó, Mỹ ghi nhận con số cao gấp đôi sau đợt bùng phát mạnh của biến chủng Delta vào mùa hè khi virus xâm nhập phần lớn bộ phận dân số chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn so với các làn sóng đại dịch trước đây. Ngoài ra, số ca tử vong mới do Covid-19 ở châu Âu và Mỹ đều chỉ bằng một phần nhỏ so với các đợt bùng phát trước.

Châu Âu đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tiêm chủng cho dân số sau giai đoạn khởi đầu chậm chạp. Trang phân tích dữ liệu Our World in Data thuộc Đại học Đại học Oxford cho biết, EU đã tiêm vaccine đầy đủ cho 53% dân số, cao hơn so với 50% tại Mỹ. Anh đạt 60%. Tây Ban Nha đạt 63% , Đức và Italy trên 50% và Pháp đang chững lại ở mức 50%.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, mục tiêu về miễn dịch cộng đồng – thời điểm mà có đủ số lượng người trong cộng đồng được bảo vệ khỏi bị bệnh dịch vì họ đã từng mắc bệnh hoặc đã được chủng ngừa vẫn rất khó đạt được, bởi biến thể mới có thể xuất hiện và xuyên thủng các “thành trì” chống dịch.

Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia của Anh dự đoán về một kịch bản khả quan hơn, đó là tiến tới trạng thái cân bằng giống như những gì chúng ta từng chứng kiến với các loại viruscorona khác. Theo đó, virus “mất đi sức mạnh” do vaccine và chỉ gây ra các đợt bùng phát lẻ tẻ. Các quan chức hy vọng các doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thích ứng với trạng thái mới theo thời gian.

Hạn chế đi lại và cách ly đối với các trường hợp mắc Covid-19 được đánh giá là biện pháp phổ biến tại châu Âu và điều này nhiều khả năng sẽ tồn tại trong thời gian dài. Nhiều nước đã tăng cường giải trình tự gen virus để theo dõi tốt hơn các biến thể của nó. Việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người gia hay người dễ bị tổn thương vẫn đang được thảo luận hoặc lên kế hoạch triển khai tại châu Âu, dù Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi ưu tiên vaccine cho các khu vực nghèo hơn trên thế giới. Chính phủ các nước đang mở rộng xét nghiệm để phát hiện trường hợp mắc Covid-19 cũng như tăng cường theo truy vết liên lạc, tiếp xúc.

Riêng Anh áp dụng cách tiếp cận khác khi lựa chọn dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế, đặt niềm tin vào vaccine và ý thức của công chúng để kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi người Anh học cách sống chung với Covid-19 giống như khi họ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.

Các dữ liệu cho thấy người dân Anh vẫn rất thận trọng, mặc dù các hạn chế được nới lỏng. Một cuộc thăm dò của YouGov vào cuối tháng 7 vừa qua cho biết, khoảng 70% người dân Anh vẫn đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và con số này không thay đổi nhiều kể từ mùa Xuân năm 2020. Theo dữ liệu của Alphabet Inc, số người sử dụng phương tiện công cộng thấp hơn 1/3 và số người đến nơi làm việc thấp hơn 42%.

Italy – quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu của đại dịch cũng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Nước này sử dụng một hệ thống mã màu để đánh giá tình hình đại dịch và mức độ ban hành các hạn chế. Các khu vực màu đỏ là nơi phải áp dụng nhiều hạn chế nhất, tiếp theo là khu vực màu vàng, xanh và trắng. Khu vực màu trắng là nơi không áp dụng bất cứ hạn chế nào ngoài việc đeo khẩu trang bắt buộc tại không gian công cộng trong nhà./.

Theo vov.vn
Ngỡ ngàng vẻ đẹp của Đệ nhất phu nhân Triều Tiên

Ngỡ ngàng vẻ đẹp của Đệ nhất phu nhân Triều Tiên

Theo Daily Mail, có rất ít thông tin về Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju, bao gồm cả tuổi tác, tên thật, thông tin về cha mẹ bà cũng như quá trình trưởng thành trước khi kết hôn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
back to top