Thành Thành Công lãi lớn nhờ đường nhập khẩu giá rẻ

(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất đường mía nội địa gặp khó khăn do đường giá rẻ Thái Lan xâm nhập thị trường, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã CK: SBT) vẫn có mức tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu và lợi nhuận.

Kiếm lời từ đường nhập khẩu giá rẻ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 niên độ 2020 - 2021 (kết thúc năm tài chính vào ngày 30/6), SBT ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.568 tỷ đồng, tăng 21% (tương ứng tăng 1.307 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 12 tháng năm 2020, tổng doanh thu thuần của SBT đạt 14.210 tỷ đồng, tăng 22% so với cả năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 650 tỷ đồng, tăng 42%.

Có thể nói, sau khi sáp nhập với Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Đồng Nai năm 2017, SBT trở thành doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về cả diện tích vùng nguyên liệu (chiếm 28% tổng diện tích trồng mía của cả nước) và công suất luyện đường (40% công suất luyện đường trong vụ). 

SBT có mạng lưới phân phối đủ tại tất cả các kênh bán buôn, bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và kênh thương mại (chiếm hơn 46% thị phần). SBT cũng là đơn vị nhập khẩu và phân phối đường nguyên liệu từ Thái Lan lớn nhất nước. Hiện, SBT đang nợ công ty đường của Thái Lan (The Thai Sugar Trading Corp., Ltd. hơn 130 tỷ đồng).

Một nguyên nhân khác giúp SBT tăng trưởng mạnh doanh thu là xuất khẩu đường. Đặc biệt, xuất khẩu đường sang Trung Quốc đã đóng góp cho doanh số bán đường của SBT tăng thêm 200.000 tấn đường lỏng trong 6 tháng qua.

Theo SSI Research, ngay cả khi áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với đường Thái Lan, SBT sẽ vẫn được hưởng lợi nhiều hơn so với các doanh nghiệp trong ngành. Bởi SBT có sẵn mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh và hệ thống kho chứa lớn nhất cả nước, với 43 kho tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Nhấn mạnh là, lượng hàng tồn kho trong SBT tại thời điểm 31/12/2020 có giá trị hơn 2.131 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong đó là đường.

Trong trường hợp, áp dụng mức thuế phòng vệ tạm thời, SBT vẫn còn lượng lớn đường tồn kho giá thấp nhập khẩu từ Thái Lan. Số đường này sẽ được bán mạnh ra thị trường trong quý 1/2021. Tất nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu đường như SBT vẫn thu về kết quả kinh doanh “ngọt ngào” như đường.

Hơn nữa, khả năng tăng công suất luyện đường lên tới 300 ngày/năm sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối từ dăm gỗ sẽ hỗ trợ SBT đáp ứng sự thiếu hụt lượng cung đường trong nước.

Trong trường hợp không có thuế phòng vệ, SBT cũng ít phải chịu ảnh hưởng hơn trong ngắn hạn, do có hoạt động phân phối thương mại và nhập khẩu chính ngạch đường Thái Lan về phân phối trong nước.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, giá đường RS có nhích nhẹ 1.500 - 2.500đ/kg lên 16.000đ/kg. Trong khi đường RE cũng tăng từ 14.000đ/kg lên 16.500đ/kg vào thời điểm hiện tại.

Trường hợp áp thuế phòng vệ (mức thuế 48,88%), giá đường nội địa sẽ còn dư địa để tăng tiếp, thậm chí tăng cao hơn.

Cần lưu ý, trong dài hạn, sự cạnh tranh với đường Thái Lan (trong trường hợp không có thuế phòng vệ) vẫn là rủi ro lớn đối với hoạt động kinh doanh của SBT.

Phụ thuộc đòn bẩy tài chính

Mặc dù có doanh thu khủng, nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) của SBT luôn cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, SBT phải sử dụng đòn bẩy lớn hơn, khiến biên lợi nhuận thuần từ mảng kinh doanh cốt lõi của SBT có phần kém hơn so với các doanh nghiệp trong ngành.

Tính đến cuối năm 2020, SBT đã đưa hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu về mức 1,1x. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Tổng dư nợ phải trả của SBT tính đến cuối năm 2020 là 11.144 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngân hàng 6.912 tỷ đồng, vay trái phiếu dài hạn 1.342 tỷ đồng, còn lại vay của các bên khác.

Khối nợ phình to hơn, công nợ phải thu của SBT cũng tăng không kém lên tới 6.313 tỷ đồng. Một phần công nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng và hàng tồn kho đã được SBT dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.

Trong tháng 1/2021, SBT đã phát hành thêm 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, tiếp tục tăng tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp. Toàn bộ lượng trái phiếu phát hành đều là trái phiếu trơn, không có tải sản đảm bảo, lãi suất 10%/năm cho năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Mục đích phát hành để thanh toán hợp đồng mua đường với các công ty con trong quý 1/2021 và trả nợ, thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Bên cạnh những lợi thế được hưởng do mảng kinh doanh cốt lõi từ sản xuất và nhập khẩu đường mía mang lại, SBT cũng thường ghi nhận các khoản doanh thu tài chính từ các thương vụ M&A (sáp nhập và mua bán) trong những năm gần đây. Tuy nhiên, SBT không ghi nhận khoản lãi nào từ chuyển nhượng quyền mua cổ phần trong 6 tháng qua.

Ngoài ra, SBT cũng nắm giữ những khoản đầu tư gần 700 tỷ đồng không liên quan đến hoạt động kinh doanh mía đường như khoản đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu niêm yết như GEG, SB1, ITA... và một số công ty kinh doanh bất động sản, dự án hệ thống điện mặt trời thuộc Tập đoàn Thành Công.

“Đứng đầu SBT là bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) hiện đang nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu SBT (tương đương tỷ lệ 10,92%). Con gái bà Ngọc, là Đặng Huỳnh Ức My là Phó Chủ tịch HĐQT (đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu SBT). Chồng bà Ngọc, ông Đặng Văn Thành, doanh nhân người Hoa, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công, cựu Chủ tịch Sacombank, cũng nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu SBT”.

Theo Theo KH&ĐS
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top