Đường nhập khẩu “dạo chơi” trên cơ chế?

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

“Lọt lưới” triệu tấn đường?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhắc lại thời điểm 1/1/2020, khi suất thuế nhập khẩu đường theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam tham gia giảm về 5%. Trước đó, Bộ Công Thương đã trì hoãn việc giảm thuế trong 2 năm để doanh nghiệp đường trong nước có thời gian chuẩn bị.

Tính chất ưu đãi đã phản ánh rõ nét trong hoạt động nhập khẩu đường. Năm 2020, đường mía nhập khẩu đã tăng đột biến, chủ yếu là nhập khẩu từ Thái Lan, với giá thấp hơn hẳn so với đường nội. Theo Báo cáo triển vọng ngành đường 2021 của Công ty TNHH Chứng khoán VietcomBank (VSBC), giá đường Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam bình quân (gồm thô và tinh luyện) ở mức 327,7USD/tấn, thấp hơn chi phí sản xuất đường nội địa (khoảng 410USD/tấn).

Về cụ thể, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 952.800 tấn đường từ Thái Lan. Tới tháng 9/2020, căn cứ trên đơn của các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra bán phá giá với đường nhập khẩu. Kết quả cho thấy đường Thái Lan đã bán phá giá ở mức 44,23% và trợ cấp 4,65% (tổng cộng 48,88%) khi xuất khẩu vào Việt Nam.

Nhưng trong 3 tháng cuối năm 2020, khi Bộ Công Thương điều tra việc bán phá giá, các doanh nghiệp đã kịp nhập thêm hơn 378.700 tấn đường từ Thái Lan. Nâng sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan chỉ trong năm 2020 lên hơn 1,33 triệu tấn.

Lưu ý là, nhu cầu sử dụng đường các loại của Việt Nam hiện vào khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Trong khi năng lực sản xuất trung bình mỗi năm của ngành mía đường Việt Nam hiện vào khoảng 1 - 1,3 triệu tấn. Như vậy, sản lượng đường nhập khẩu giá rẻ đã vượt cả năng lực sản xuất trong nước (với giá cao). Không quá khó để nhận thấy các nhà sản xuất đường nội địa đã “tắc thở” thế nào trước sức cạnh tranh của đường ngoại.

Thực tế là, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, năm 2020 ghi nhận diện tích trồng mía nguyên liệu đã thấp nhất trong 19 năm qua, còn khoảng 150.000ha. Dĩ nhiên, nông dân bỏ trồng mía nguyên liệu có nguyên nhân từ sự suy yếu của các nhà máy đường nội. Niên vụ mía 2019 – 2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 750.000 tấn, bằng khoảng 75% so với niên vụ trước.

Ngày 20/8/2020, 6 nhà sản xuất đường nội nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan. Với mức thuế chống bán phá giá đề xuất là 37,9%.

Sau hơn 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức trung bình là 33,88%.

Điểm đáng lưu ý, quyết định này có thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời là 120 ngày, kể từ ngày có hiệu lực (16/2/2021). Áp dụng hồi tố đối với đường nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước thời hạn này, nếu xác định được đường bị bán phá giá, có trợ cấp vào Việt Nam.

Thời hạn hồi tố này có nghĩa, gần như toàn bộ lượng đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam trong năm 2020 (1,33 triệu tấn từ Thái Lan) sẽ nằm ngoài vùng điều chỉnh của quyết định chống bán phá giá.

Và câu hỏi tự nhiên đặt ra ở đây sẽ là, doanh nghiệp nhập khẩu đường nào sẽ hưởng lợi nhờ thoát bị hồi tố thuế chống bán phá giá?

Vua đường lãi nhất

Cần lưu ý, dù Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá đường nhập khẩu từ Thái Lan (33,88%), nhưng mức thuế còn xa mới đạt kỳ vọng của doanh nghiệp đường nội để tạo thị trường cạnh tranh công bằng (37,9%).

Chưa hết, về chi tiết, Quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương chia suất thuế chống bán phá giá đường thành hai loại. Trong đó, đường tinh luyện nhập khẩu từ Thái Lan chịu mức thuế 44,23%, còn đường thô chịu mức thuế 29,23%.  

Chênh lệch suất thuế chống bán phá giá giữa hai sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan này lên đến 15%. Về thực chất, chênh lệch sẽ khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng nhập đường thô về tinh luyện bán trong nước. Tức là mục tiêu tạo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong nước không đạt được.

Mặt khác, như trên đã dẫn, sẽ rất khó hiểu khi hành vi bán phá giá đã được chứng minh và kéo dài trong ít nhất cả năm 2020. Nhưng thời hạn hồi tố chống bán phá giá lại chỉ là 90 ngày, với điều kiện phải chứng minh được đường đó có bán phá giá vào Việt Nam.

Cần nhấn mạnh, việc hồi tố truy thu đầy đủ thuế đối với sản lượng đường nhập khẩu bị bán phá giá sẽ giúp tăng thu cho ngân sách (có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng) và trả lại sự công bằng trong cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.

Theo VCBS, Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) – doanh nghiệp của gia đình cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành - hiện là doanh nghiệp mía đường lớn nhất cả nước, là doanh nghiệp hiện chiếm hơn 46% thị phần nội địa, có vùng nguyên liệu 63.827ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia, tổng công suất sản xuất đạt 4.250 tấn đường/ngày.

Năm 2020, tổng doanh thu của TTC Sugar đạt 12.888,7 tỷ đồng (tăng 18,7%) do mảng chủ lực là đường tăng trưởng tốt, nhờ “xuất khẩu sang Trung Quốc và tận dụng việc nhập khẩu đường thô giá rẻ để tinh luyện” – báo cáo của VCBS cho biết.

Thực tế, các doanh nghiệp đường nhập khẩu lớn trong năm 2020 là TTC Sugar, Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar), Công ty TNHH Một thành viên Vilitas Thái Bình, Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Cuộc Sống Việt…

Trong đó, với thị phần nội địa lớn nhất và xuất khẩu đường lớn nhất, không khó để hình dung TTC Sugar và chuỗi các công ty “con” cũng là nhập khẩu đường lớn nhất từ Thái Lan. Một ước tính cho thấy, chuỗi các doanh nghiệp của TTC Sugar chiếm khoảng 50% tổng sản lượng nhập khẩu đường từ Thái Lan trong năm 2020. Đây cũng là chuỗi doanh nghiệp có "thâm niên" nhập khẩu đường trong những năm trước đó.

Vậy thì, lợi nhuận mà chuỗi doanh nghiệp TTC Sugar thu được từ cả triệu tấn đường Thái Lan bán phá giá vào Việt Nam đã thoát hồi tố từ quyết định của Bộ Công Thương là bao nhiêu? Doanh nghiệp này sẽ thu lợi thêm bao nhiêu từ chênh lệch thuế chống bán phá giá đường tinh luyện – đường thô nhập khẩu (15%) mà Bộ Công Thương “đã quyết”.

Lợi nhuận đó có phải là từ sự chèn ép các nhà sản xuất đường nội không?

Theo Đời sống
Giá mít Thái tăng mạnh

Giá mít Thái tăng mạnh

Giá mít Thái tại một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre… lên hơn 30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với trước đó.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top