Thanh Hóa: Thu giữ lượng lớn giấy vệ sinh có dấu hiệu là hàng giả

Tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) một cơ sở làm giả giấy vệ sinh vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phát hiện và xử lý.

Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường, Công an huyện Hoằng Hóa vừa tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát địa chỉ tại SN 18, đường TL 510B, thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu và giấy vệ sinh thành phẩm cùng nhiều loại bao bì có dấu hiệu là hàng giả.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu và giấy vệ sinh thành phẩm cùng nhiều loại bao bì có dấu hiệu là hàng giả.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn nguyên liệu và giấy vệ sinh thành phẩm cùng nhiều loại bao bì có dấu hiệu là hàng giả và hàng hoá giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu giấy vệ sinh đang bán trên thị trường gồm HaNoi Silk, Napkin, Vietnam Arilines, Hai Hoa.

“Toàn bộ số giấy vệ sinh trên được tôi mua bao bì, túi đựng có in nhãn hiệu và thông tin trên bao bì, mua trôi nổi trên thị trường sau đó mang về tự đóng gói”, ông Nguyễn Trọng Hải khai nhận.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản niêm phong tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên gồm 14.300 cuộn và 840 túi giấy vệ sinh Vietnam Arilines, HaNoi Silk, Hai Hoa; 720 túi Khăn giấy Napkin; 110 kg bao bì đựng nhãn Vietnam Arilines và hàng không; 12 kg Cuộn giấy trắng; và 01cái bàn là nhiệt đang sử dụng để đóng gói.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, hầu hết các loại khăn giấy kém chất lượng trên thị trường đều chứa chất Policlobiphenyl (PCBs), đây là chất được sinh ra trong quá trình tẩy trắng nguyên liệu. Dù chỉ một lượng nhỏ xót lại, nó cũng có thể dẫn đến ung thư, đặc biệt là gây sinh ra quái thai… khi thời gian sử dụng lâu dài.

Trong khi đó, đa số những loại giấy vệ sinh không có nhãn mác hay giả mạo nhãn hiệu thường được bán với giá cực thấp trên thị trường đều là giấy tái chế. Khi sử dụng để lau các vật dụng trước khi ăn, tình cờ sẽ đem một lượng vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp, bên cạnh giấy vệ sinh tiếp xúc trực tiếp với da gây dị ứng, nổi ban đỏ nếu nhẹ. Nặng hơn, khi sử dụng giấy này vệ sinh vùng kín, nó đem đến nguy cơ cao cho người sử dụng mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh trĩ, bệnh lậu, viêm các bộ phận sinh dục…

Do đó, theo các chuyên gia, đề phòng những giấy vệ sinh giá rẻ bán ngoài vỉa hè hay những quán tạp hóa, trước khi mua phải hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả. Dễ dàng nhất là nên chọn những địa điểm mua bán tin cậy, có sự đảm bảo chất lượng và uy tín.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể so sánh giá cả và chất lượng của từng loại sản phẩm để chọn ra sản phẩm phù hợp với gia đình mình nhất.

Theo Đời sống
back to top