Thái Nguyên: Còn nhiều hạn chế trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Mặc dù được xếp hạng cao trong năm 2021, nhưng trước thực tế đã và đang diễn ra, tỉnh Thái Nguyên đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Năm 2021, điểm đánh giá và thứ hạng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến hiệu quả, tích cực (đạt 71,47 điểm, tăng 2,63 điểm so với năm 2020, đứng thứ 6 về điểm số trên toàn quốc).

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thái Nguyên đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh còn tồn tại, hạn chế như: Việc tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu; việc phát hiện vụ việc tham nhũng tiêu cực qua hoạt động của thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa phát huy được hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ năm 2021 được đánh giá về điểm số và thứ hạng có nhiều chuyển biến tích cực song song vẫn còn tiêu chí đạt hiệu quả chưa cao.

Cuối năm 2022, hàng loạt cán bộ cấp sở tại tỉnh Thái Nguyên đã bị bắt giữ do có liên quan đến những sai phạm trong công tác; trong đó có ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc sở TN&MT; ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT; ông Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Giám đốc Sở Công thương…

Ủy ban Kiểm tra TƯ đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Ngô Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên…

Trong khi đó, theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 2022 Thái Nguyên chưa phát hiện các trường hợp có liên quan đến hành vi tham nhũng qua giải quyết đơn thư, phản ánh, tố cáo. Qua công tác điều tra, tỉnh Thái Nguyên thụ lý 17 vụ/21 bị can (gồm số cũ 01 vụ/ 01 bị can, mới khởi tố 16 vụ/ 20 bị can); đề nghị truy tố 10 vụ/10 bị can; Chuyển Cơ quan điều tra Bộ quốc phòng theo thẩm quyền 01 vụ 01 bị can. Viện Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên thực hiện thụ lý 14 vụ/16 bị can. Đã truy tố: 11 vụ/13 bị can.

Các vụ việc còn đang tiếp tục điều tra, gồm: Vụ Phan Mạnh Cường (nguyên Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, Trưởng Ban Quản lý Các Khu công nghiệp Thái Nguyên) cùng đồng phạm về tội "Lạm quyền trong thi hành công vụ"; Vụ Triệu Hữu Thuận (cán bộ UBND xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai) và Hà Tiến Thanh (công chức địa chính xã) về tội “Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ"; Vụ Hoàng Văn Dũng (Hộ khẩu tại xã Tam Di, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) “tham ô tài sản”; Vụ Phạm Thị Huệ (Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thái Nguyên), Lã Thị Hải Yến (Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thái Nguyên) về tội “nhận hối lộ”; Vụ Dương Văn Tuấn (nhân viên giao hàng Bưu cục Đồng Tiến- Phổ Yên) về tội “Tham ô tài sản"; Vụ Dương Văn Lộc (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thoát nước và xây dựng hạ tầng đô thị Thái Nguyên) và Phạm Thuỷ Biên (kế toán của Công ty) về tội “Tham ô tài sản”.

Thống kê của tỉnh Thái Nguyên cho biết: Số vụ việc phát hiện, khởi tố của năm 2022 tăng 10 vụ, 11 bị can; thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 cao hơn so với năm 2021 là gần 444 tỷ đồng.

Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục giữ vững và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, ngày 17/3/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh…: Tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả các nội dung liên quan đến chỉ đạo về thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các văn bản, chính sách phù hợp, phát hiện những sơ hở bất cập về cơ chế, chính sách để kịp thời hoàn thiện…Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng- tiêu cực trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, rà soát xung đột lợi ích ngay tại các cơ quan, đơn vị và trong quá trình thực hiện công vụ. Chủ động đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết tố cáo, tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó, không để quá thời hiệu xử lý hành chính dẫn đến xử lý khó khăn, phức tạp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu do buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Dự án khu đô thị Đại Phong đang vướng lùm xùm mượn sổ hộ khẩu để nhận thêm tiền hỗ trợ.
Dự án khu đô thị Đại Phong đang vướng lùm xùm mượn sổ hộ khẩu để nhận thêm tiền hỗ trợ.

Trong diễn biến liên quan, hiện dư luận tại tỉnh Thái Nguyên đang rất bức xúc về việc chậm ban hành Kết luận thanh tra Dự án Nhà ở xã hội- chung cư Đại Nam tại phường Phan Đình Phùng (TP Thái Nguyên) dù vụ việc đã được Ban Phòng chống tham nhũng của tỉnh nhắc nhở, đốc thúc tại 2 kỳ họp liên tiếp. Bên cạnh đó còn là vụ việc Chủ tịch UBND TP Phổ Yên đã quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo đối với các ông/bà: Đỗ Hoàng Vân (Chủ tịch UBND phường Ba Hàng); Phan Thị Kim Hoàn (Phó Chủ tịch UBND phường Ba Hàng); Vũ Khánh Thiện (công chức địa chính phường Ba Hàng) và một số cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Phổ Yên: Có hành vi hướng dẫn một số hộ gia đình, cá nhân mượn hộ khẩu của hộ gia đình, cá nhân khác để được hưởng chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, hành vi này là trái quy định của pháp luật, làm thất thoát tiền của nhà nước tại Dự án Khu đô thị Đại Phong trên địa bàn phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên (nay là thành phố Phổ Yên) từ 6/7/2022 đến nay cũng chưa công bố kết luận…

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top