“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Hình ảnh những ông đồ già bày mực Tàu, giấy đỏ viết câu đối đỏ mỗi khi Tết đến, xuân về tưởng chỉ còn là hoài niệm đầy tiếc nuối trong thơ của Vũ Đình Liên đã được tái hiện trong một khung cảnh thật đẹp, mang đậm phong vị Tết cổ truyền tại Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Hình ảnh những ông đồ già viết câu đối mỗi khi Tết đến, xuân về đã không chỉ còn là hoài niệm trong thơ Vũ Đình Liên. |
Nhiều năm nay, phố ông đồ bên cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” Tết của Hà Nội. Bên mái ngói nhuốm màu thời gian và vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám xưa, hình ảnh những ông đồ đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt, có cả thế hệ trong trang phục truyền thống áo the đen, khăn xếp miệt mài “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay” đã làm sống dậy một nét đẹp văn hóa của dân tộc, gợi nhớ Tết xưa.
Xã hội đã có nhiều thay đổi, “cửa Khổng, sân Trình” không còn. Tuy nhiên, ước vọng về sự tốt lành, may mắn, thịnh vượng trong năm mới, truyền thống trọng chữ, hiếu học của người dân thì vẫn còn nguyên vẹn.
Thầy đồ 9X cho chữ đầu xuân
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, "ông đồ" 9X Nguyễn Sỹ Thủy, thư pháp chữ Quốc ngữ cho hay, các đối tượng đến xin chữ ở lều của ông đồ này chủ yếu là các bạn trẻ. Năm nay lượng khách không thay đổi so với năm ngoái.
"Ông đồ" 9X Nguyễn Sỹ Thủy cho chữ tại Hội chữ xuân Giáp Thìn 2024. |
Đầu năm, người ta thường đi xin chữ để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới – đây cũng là những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Những chữ được xin thường mang ý nghĩa sự thuận lợi, may mắn, hanh thông, đỗ đạt... tùy vào ý nguyện của những người đến xin chữ.
Năm Giáp Thìn 2024, chữ “Thuận” được xin nhiều, cầu mong sự thuận buồm xuôi gió, hanh thông trong mọi việc, đặc biệt đối với người kinh doanh. Với những bạn học sinh, sinh viên, thường xin chữ “Học”, “Đỗ Đạt”, “Đăng Khoa” nhất là với những bạn chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp, thi đại học. Sau khi xin chữ thì có thể sang Văn Miếu để làm lễ nơi cửa Khổng, sân Trình, mong được truyền ý chí, quyết tâm để thực hiện những mong ước từ những vị hiền nhân.
Thuộc thế hệ 9X, thực hiện việc viết chữ đã hơn chục năm, "ông đồ" Nguyễn Sỹ Thủy cảm thấy rất vui khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại hóa, tuy nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn.
Đối với người viết thư pháp, bản thân cũng được tu dưỡng bản thân, lúc viết chữ biết thêm được những câu nói hay của thế hệ đi trước, từ đó rút ra được bài học cho bản thân, khi viết luyện được tính kiên nhẫn.
“Khi viết chữ, mình truyền được nhiệt huyết, sự tu dưỡng của bản thân, tính tích cực của câu từ đến với người xin chữ. Được cho chữ vào dịp Tết Nguyên đán ở Văn Miếu – một nơi trang trọng, linh thiêng nhất về sự học của người Việt Nam, với tôi là một niềm tự hào, vinh dự”, ông đồ Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ.
Mừng vì mọi người vẫn có tình yêu với con chữ
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, ông đồ Lê Mạnh Nhanh, thư pháp Hán Nôm (CLB Thư họa UNESCO) cho hay, ông cảm thấy rất vui khi đầu xuân năm mới, mọi người vẫn có tình yêu đối với con chữ, nô nức đi xin chữ. Đặc biệt là với chữ Hán Nôm vẫn rất được ưa chuộng.
Ông đồ Lê Mạnh Nhanh cảm thấy vui khi mọi người vẫn có tình yêu với con chữ. |
Các lều chữ Quốc ngữ thu hút nhiều giới trẻ, nam nữ thanh niên, nhưng lều chữ Hán Nôm thu hút nhiều người lớn tuổi, nhất là khi đã sang xuân mới.
“Nhiều người chia sẻ, đến với Văn Miếu Quốc Tử Giám là đến với di tích về sự học do các cụ để lại, cho nên đến đây phải xin được chữ xưa”, ông Nhanh nói.
Ông Nhanh cho biết, đến với quầy chữ Hán Nôm, học sinh vẫn xin những chữ về sự học, như Đăng Khoa, Đỗ Đạt. Có điểm khác là năm nay, người dân không xin nhiều chữ cho gia đình, chẳng hạn như Bình An, Phúc, Lộc... là những chữ năm trước được xin nhiều. Nhưng năm nay ít hơn, chữ “Thuận” được xin nhiều hơn.
Nhiều năm gắn với công việc cho chữ, với ông Nhanh, đó là niềm đam mê. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn, so với năm trước, mặc dù vẫn có rất đông người trảy hội xuân nhưng việc xin chữ năm nay có vẻ ít hơn. Lý do có thể do việc cho chữ được thực hiện ở nhiều nơi, chứ không riêng gì ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
Bồi hồi như gặp lại Tết xưa giữa lòng Hà Nội. |
Ông Nguyễn Đăng Lai, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thư pháp Hán-Nôm Quang Trung cho hay, ngày Xuân, có nhiều chữ thường nhiều người xin trong những ngày đầu xuân. Những chữ này thường mang những ý nghĩa nhất định. Ví dụ như chữ:
Phúc: Có ý nghĩa hạnh phúc, êm ấm, thể hiện mong ước có cuộc sống no ấm, đủ đầy cho gia đình.
Lộc: Nét chữ thể hiện sự thịnh vượng, giàu sang. Mong muốn cả năm phát lộc, phát tài.
Thọ: Với mong muốn ông bà, cha mẹ bách niên giai lão, mạnh khỏe, sống lâu, chữ Thọ thường được nhiều người xin về để tặng cho ông bà, cha mẹ..
Tâm: Tượng trưng cho lòng thanh tịnh, an bình, chữ Tâm mang ý nghĩa mong muốn con người tu tâm dưỡng tính.
Đức: Thể hiện đạo đức của con người, chữ Đức như dặn mọi người phải biết sống tốt với mọi người, không được sống bất nhân, bất nghĩa.
Mong một năm mới bình an. |
Tài: Người ta xin chữ Tài để mong muốn sự tài năng, công thành danh toại.
An: Thể hiện sự an lành, mong cầu một cuộc sống bình an.
Nhẫn: Với mong muốn có một bản tính độ lượng, khoan dung nên nhiều người thường xin chữ nhẫn để treo trong nhà.
Hiếu: Để bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, nhiều người thường xin chữ Hiếu tặng cho ông bà, cha mẹ.
"Bày mực Tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua". |
Tín: Có ý nghĩa là sự tin tưởng, giữ lời hứa.
Đỗ: Chữ Đỗ thể hiện mong muốn thi tài đỗ đạt, “vượt vũ môn” thành công.
Đăng Khoa: Chữ Đăng Khoa thể hiện mong muốn và quyết tâm thi cử với kết quả cao, xuất sắc.
Học: Chữ Học thể hiện sự ham học, học rộng tài cao, mong muốn đường học rộng mở, thuận lợi.
Thành: Xin chữ Thành để thể hiện ý chí quyết tâm theo đuổi mục tiêu, đạt thành công cho bằng được, không chấp nhận chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
Đắc: Chữ Đắc thể hiện đạt được tâm nguyện một cách viên mãn, khiến bản thân cảm thấy vô cùng thỏa mãn và thích thú.
Duyên: Chữ Duyên biểu tượng cho tình yêu, duyên phận. Các bạn trẻ thường xin chữ Duyên đầu năm để cầu mong sự may mắn trong tình yêu, sớm tìm được nửa kia của mình, dấu hiệu của hỷ sự.
Hội chữ Xuân năm năm 2024 được bố trí xung quanh hồ Văn tại Quốc Tử Giám từ ngày 24 tháng Chạp (tức ngày 3/2), đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng (tức hết ngày 18/2).
Chủ đề Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 là "Sư đạo tôn nghiêm" với ý nghĩa: đạo của người thầy được tôn nghiêm thì đạo học, tri thức mới được quý trọng, sự học được tốt đẹp. Với chủ đề này, Ban Tổ chức mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay, bên cạnh đó, cũng thông điệp gửi tới các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo.
Mời quý độc giả xem video PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nói về tặng quà Tết. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.