Tê liệt toàn thân vì viêm đa dây thần kinh cấp tính

Hội chứng Guillain - Barre (viêm đa dây thần kinh cấp tính) rất đặc biệt, hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công vào các dây thần kinh một cách nhanh chóng làm tê liệt toàn bộ cơ thể.

Đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm cần nhận biết phát hiện và điều trị sớm.

BS Nguyễn Thị Ninh Thùy, Khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hội chứng Guillain - Barre là nguyên nhân gây liệt mềm cấp thường gặp nhất trên thế giới. Đây được coi là một trường hợp cấp cứu y khoa, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt hoặc thậm chí có thể ngừng tim do tổn thương thần kinh chi phối tim.

Nhiễm khuẩn khiến hệ miễn dịch tấn công cơ thể

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Guillain - Barre gồm:

- Ngứa hoặc mất cảm giác trên ngón tay ngón chân có thể lan lên trên cơ thể.

- Đi bộ không ổn định hoặc không có khả năng đi bộ.

- Gặp khó khăn với chuyển động của mắt, cử động trên khuôn mặt, nói, nhai, nuốt.

- Đau dữ dội ở lưng dưới.

- Khó khăn với kiểm soát bàng quang hoặc các chức năng đường ruột.

- Rất chậm nhịp tim hoặc huyết áp thấp.

- Khó thở.

Ông N.V.T, 80 tuổi (Hà Nội) sáng ngủ dậy tự nhiên thấy tê các đầu ngón tay, chân, sau đó yếu cơ từ bàn chân, cẳng chân lan lên thân người và cánh tay. Tình trạng yếu cơ của ông diễn ra rất nhanh, gia đình liền đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Trong lúc bác sĩ còn đang tìm căn nguyên gây bệnh thì bệnh nhân đã không đi lại được, sụp mí mắt, khó thở...

Bác sĩ nghĩ ngay đến Hội chứng Guillain - Barre và ông được cấp cứu tại khoa hồi sức tích cực, thở oxy, lọc máu liên tục và điều trị bao vây... Nhờ phát hiện sớm và điều trị tích cực, sau 3 lần lọc máu... ông đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, có thể đi lại vận động được.

Theo BS Nguyễn Thị Ninh Thùy, hội chứng Guillain - Barre là bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính mất myelin cấp hoặc chứng liệt Landry do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên.

Tuy là bệnh lý hiếm gặp chiếm từ 1-2 ca/ 100.000 dân nhưng đây là nguyên nhân gây liệt mềm cấp thường gặp nhất trên thế giới. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi tránh di chứng tật nguyền.

Thay huyết tương điều trị Hội chứng Guillain - Barre
Thay huyết tương điều trị Hội chứng Guillain - Barre

BS Phạm Thị Huyền, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, đến nay nguyên nhân của Hội chứng Guillain – Barre vẫn chưa được xác định rõ nhưng bệnh thường xuất hiện sau tình trạng nhiễm khuẩn vài ngày hoặc vài tuần do vi khuẩn, virus hoặc sau dùng một số thuốc, sau can thiệp ngoại khoa…

Các biểu hiện sớm của bệnh thông thường là rối loạn cảm giác tê và ngứa các vùng da kèm theo yếu hoặc liệt vận động tăng dần từ 2 chân hoặc tứ chi, đi lại khó khăn. Đồng thời bệnh nhân có thể bị đau cơ, rối loạn thị lực, liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt), nhắm mắt không kín, ăn uống rơi vãi, khó nuốt, dễ bị sặc khi ăn uống. Nặng hơn là các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật đòi hỏi sự đánh giá tỉ mỉ của các bác sĩ.

Khi được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn nguy hiểm, và hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng đến 1 năm. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân có thể để lại di chứng về vận động hoặc cảm giác.

Chính vì vậy, phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân.

BS Huyền khuyến cáo, ngay khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: Tê, ngứa da, kèm theo yếu hoặc liệt vận động từ 2 chân đến tứ chi, đi lại khó khăn, ăn uống rơi vãi, khó nuốt, dễ bị sặc khi ăn, uống… thì nên đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Nhầm lẫn khiến bệnh tăng nặng, dễ tử vong

ThS.BS Quãng Thành Ngân, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nhiều bệnh nhân Guillain-Barre được chẩn đoán lẫn với các bệnh khác như: Như cảm cúm, tiểu đường, thiếu vi chất..., khiến bệnh diễn tiến nhanh, nguy cơ tê liệt toàn thân, tử vong.

Như ông Cáo Âu Trần (65 tuổi), Việt kiều Mỹ về Sóc Trăng thăm người thân, bỗng có cảm giác tê bì hai chân. Trước đó ông bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống kém nên nghĩ là do thiếu chất. Chỉ một ngày sau, tình trạng tê nhiều hơn, kèm theo yếu tay chân, mệt và khó thở. Người nhà đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Bệnh nhân Trần cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sau khi khỏi bệnh.

Bệnh nhân Trần cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sau khi khỏi bệnh.

Một trường hợp khác, bà Cúc (59 tuổi), có triệu chứng giống cảm cúm, kèm theo những cơn ho. Khoảng 2 tuần trước nhập viện, bà Cúc bị tê bì tay chân, đi khám tại một phòng khám tư và được bác sĩ kê đơn thuốc uống. Tuy nhiên tình trạng tê bì ngày càng tăng, cảm giác yếu tứ chi, không thể tự đi đứng được.

Bác sĩ chỉ định đo điện cơ và xét nghiệm dịch não tuỷ. Kết quả ghi nhận ông Trần và bà Cúc mắc hội chứng Guillain-Barre. Sau một tuần điều trị bằng phương pháp thay huyết tương, liệu trình 5 lần, diễn ra cách ngày, lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, hết khó thở.

Ông Trần đã tự đi đứng, vận động nhẹ, ăn uống, nói chuyện bình thường, sức cơ tay chân hồi phục 80%. Bà Cúc không còn dấu hiệu suy hô hấp và các biến chứng nguy hiểm khác. Sức cơ tay chân hồi phục chậm hơn.

BS Ngân cho biết, khoảng 2/3 bệnh nhân Guillain-Barre có tình trạng mắc các bệnh lý nhiễm trùng trong vòng khoảng 6 tuần trước khi khởi phát bệnh. Trong thời tiết giao mùa, các loại vi rút, vi khuẩn, gây bệnh phát triển mạnh, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp, tiêu hoá cao. Khi đó, cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh nhưng đồng thời tấn công luôn hệ thần kinh ngoại biên, gây ra các triệu chứng của hội chứng Guillain-Barre.

Vì vậy, nếu xuất hiện cảm giác tê bì, yếu chân tay tăng dần, nhất là sau khi mắc các bệnh lý tiêu hoá hoặc hô hấp, nên nhanh chóng đi khám chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Quá trình hồi phục sau điều trị Guillain – Barre thường kéo dài từ 6 - 12 tháng (mặc dù một số người có thể mất tới 3 năm).

- Người trưởng thành: Khoảng 80% bệnh nhân có thể tự đi lại sau sáu tháng; Khoảng 60% bệnh nhân hồi phục vận động hoàn toàn sau một năm; Khoảng 5 - 10% bệnh nhân hồi phục rất chậm hoặc hồi phục không hoàn toàn.

-Trẻ em dễ hồi phục hoàn toàn hơn so với người trưởng thành.

Theo Đời sống
back to top