Tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Công điện nêu rõ, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân, nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó:

Trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét:

Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp,… Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và huy động các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên, chủ động thông tin đến cơ quan chức năng và Nhân dân biết để có giải pháp ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, bất an trong Nhân dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 8/2023.

Khẩn trương rà soát, cập nhật, hoàn thiện Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" trên cơ sở bảo đảm khoa học, thực tiễn, khả thi và hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 8 năm 2023 để sớm triển khai thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua (như hồ Đắk N'Ting, tỉnh Đắk Nông,…), không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của Nhân dân.

Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án chủ động bảo đảm giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính. Chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, điều phối, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có tình huống theo đề nghị của địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo VietnamDaily
Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết

Tăng mức phạt vi phạm giao thông là cần thiết

Trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 168, cơ quan chức năng đã xử phạt với số tiền 28.000.000.000 đồng, đây là số tiền rất lớn. Số tiền phạt cho thấy số người vi phạm về giao thông đường bộ là rất lớn.
back to top