Tạo hình tai giữa lấy lại thính lực cho người bệnh bị Cholesteatoma

Cholesteatoma có thể được gọi là một dạng khối u biểu bì nằm ở tai giữa hoặc xương chũm... gây ra các biến chứng giảm sức nghe, tiêu xương, liệt mặt…. Nội soi tạo hình tai giữa là phương pháp mới giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Nội soi tránh khoan mở xương chũm

Ngày 12/9, các bác sĩ khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, đã Phẫu thuật nội soi tạo hình tai giữa phục hồi thính lực cho người bệnh bị Cholesteatoma tai giữa.

Chị B.T.H (33 tuổi), trú tại xã Đồng Sơn, Hoành Bồ. Cách đây 2 năm người bệnh đi khám tuyến dưới phát hiện có khối trong tai phải, không chảy dịch tai và chưa được phẫu thuật.

Sau đó chị H xuất hiện ù tai, nặng tai, nghe kém đến Bệnh viện Bãi Cháy khám Nội soi, chụp cắt lớp vi tính, đo thính lực và được chẩn đoán Cholesteatoma tai giữa P, nghe kém dẫn truyền và có chỉ định phẫu thuật phẫu thuật nội soi mở hòm nhĩ lấy cholesteatoma.

BSCKI Hoàng Huyền Trang, Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp thực hiện ca phẫu thuật cho người bệnh - Ảnh BVCC

BSCKI Hoàng Huyền Trang, Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp thực hiện ca phẫu thuật cho người bệnh - Ảnh BVCC

Kíp phẫu thuật do BSCKI Hoàng Huyền Trang, Phó trưởng khoa TMH, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp thực hiện. Trong phẫu thuật thấy khối cholesteatoma khu trú góc sau trên, dính một phần và ăn mòn ngành xuống xương đe, các bác sĩ đã lấy bỏ khối cholesteatoma, thay thế xương con để phục hồi sức nghe cho người bệnh.

Trước đây phẫu thuật lấy bỏ Cholesteatoma thường tiến hành khoan mở xương chũm, đường rạch da dài để tiếp cận tổn thương, thời gian phục hồi lâu hơn.

Hiện nay với kỹ thuật mổ nội soi sau phẫu thuật người bệnh được ra viện sớm, tái khám sau 2 tuần người bệnh được rút merocell tai, khám thấy màng nhĩ liền, người bệnh cảm nhận nghe tốt hơn. Người bệnh được hẹn đo thính lực sau 3 tháng, chụp CT scaner tai sau 1 năm để kiểm soát cholesteatoma.

BSCKI Hoàng Huyền Trang cho biết: Phẫu thuật nội soi tạo hình tai giữa là phẫu thuật sửa chữa các cấu trúc giải phẫu của tai giữa, bao gồm lấy bỏ bệnh tích viêm ở tai giữa, tái tạo màng nhĩ, có hoặc không kèm theo tái tạo xương con.

Bệnh viện Bãi Cháy đã được đầu tư hệ thống phòng mổ hiện đại với hệ thống phẫu thuật nội soi và kính hiển vi, chúng tôi đã làm chủ kỹ thuật phẫu thuật vá màng nhĩ bằng nội soi và kính hiển vi, giúp nhiều người bệnh viêm tai giữa mạn tính khỏi tình trạng viêm và phục hồi thính lực.

Bệnh viện Bãi Cháy đã được đầu tư hệ thống phòng mổ hiện đại với hệ thống phẫu thuật nội soi và kính hiển vi.

Màng nhĩ của người bệnh liền tốt sau 2 tuần phẫu thuật.

Màng nhĩ của người bệnh liền tốt sau 2 tuần phẫu thuật.

Phẫu thuật sớm tránh biến chứng tiêu xương, liệt mặt...

Theo bác sĩ Trang: Cholesteatoma có thể được gọi là một dạng khối u biểu bì nằm ở tai giữa hoặc xương chũm, có thể là tổn thương nguyên phát hoặc thứ phát do thủng màng nhĩ. Bệnh có thể gây ra các biến chứng giảm sức nghe, tiêu xương, liệt mặt…. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất lấy bỏ bệnh tích và chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng cho kết quả điều trị tối ưu.

Triệu chứng của bệnh khá đa dạng, một số người có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Một số khác có thể giảm thính lực, chóng mặt và/hoặc chảy nước trong tai. Cholesteatoma do thủng màng nhĩ thường được phát hiện sớm hơn và giảm hay mất thính lực cũng xảy ra sớm hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ thăm dò để phát hiện cholesteatoma ở những người có viêm tai giữa mủ mạn tính.

"Để phòng tránh các bệnh mạn tính ở tai như viêm tai giữa mủ mạn tính hay cholesteatoma bằng một số cách cơ bản như: Luôn giữ tai khô thoáng, đặc biệt sau khi tắm gội hoặc sau khi đi bơi, vệ sinh mũi họng tốt; thận trọng khi lấy ráy tai....

Bên cạnh đó, người bệnh cần điều trị tốt các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm VA, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng...., khi có các bất thường ở tai cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời." - Bác sĩ Trang khuyến cáo.

Theo Đời sống
back to top