Nhằm đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã khảo sát 2.000 doanh nghiệp. Kết quả, rong năm 2019, mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cao hơn khoảng 8 - 12% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương thấp nhất bình quân quý I/2019 là 4.130.000đ/tháng, trong đó vùng 1 là 4.670.000đ/tháng, vùng 2 là 4.010.000đ/tháng, vùng 3 là 3.590.000đ/tháng và vùng 4 là 3.230.000đ/tháng.
Do đó, Bộ cho rằng, lương tối thiểu vùng năm 2020 nên tăng từ 150.000 - 240.000đ (tương ứng 5,1 - 5,7%) so với năm 2019 là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, không gây tác động lớn.
Phương án điều chỉnh đã tính đến việc bù trượt giá sinh hoạt dự kiến khoảng 3,5 - 4% để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động (NLĐ), phù hợp với năng suất lao động (cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,5 - 2%), tăng trưởng kinh tế.
Bộ nhận định, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Đầu tháng 7/2019, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5%. Theo đó, vùng 1 tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000đ/tháng); vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000đ/tháng); vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000đ/tháng); vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000đ/tháng).
Từ phương án thống nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH có đánh giá khảo sát cùng trình với dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Dự kiến, khi Chính phủ thông qua, Nghị định này sẽ áp đụng từ 1/1/2020.