Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp

Bộ Y tế đang yêu cầu các đơn vị tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp, không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên, rà soát phát hiện sớm ca mắc viêm gan bí ẩn.

Cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính. Tuy nhiên, trước mức độ nguy hiểm của bệnh, những ngày qua Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm soát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, trưởng khoa gan mật, BV Nhi TƯ, cho biết: "Adenovirus phát hiện ở khoảng 30% ca bệnh trên thế giới. Ở Mỹ, báo cáo đến ngày 6/5, chủng này dương tính ở 61% trẻ được phát hiện mắc bệnh.

Mặc dù adenovirus xuất hiện khá nhiều ở trẻ bệnh nhưng chưa thể khẳng định virus này là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính ở trẻ em".

Theo bác sĩ Hoa, adenovirus không phải là virus mới xuất hiện. Virus này đã được phát hiện từ năm 1953 và có 57 type với 7 loài. Đây cũng chính là chủng gây đau mắt, viêm phổi, cúm, tiêu chảy... Virus này cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người lớn và tổn thương dạ dày ruột ở trẻ em.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, PGS Trần Minh Điển, giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau mắc COVID-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến adenovirus.

Bệnh viện đã xây dựng các bộ câu hỏi, xác định bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn, sàng lọc tổn thương gan. Các triệu chứng của viêm gan cấp tính bao gồm: sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, vàng củng mạc, vàng da...Trẻ từ 0 - 16 tuổi khi có những triệu chứng trên, tùy tình trạng bệnh nhi, các bác sĩ có sàng lọc sâu hơn, xét nghiệm để phát hiện bệnh.

Theo giả thuyết phổ biến hiện nay là có liên quan adenovirus, chúng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc niêm mạc như tiêu hóa, tiếp xúc từ việc tắm chung ở các bể nước ô nhiễm. Nếu con đường lây nhiễm là tiêu hóa, tốc độ lây sẽ chậm hơn đường hô hấp.

Ngược lại, nếu virus này lây qua đường hô hấp, khả năng dịch bùng phát sẽ nhanh và mạnh hơn. Dù còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng liên quan căn bệnh bí ẩn này, Việt Nam cần phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật thông tin các ca bệnh liên quan trên thế giới.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top