Tầm nhìn báo chí 2030: Hướng đến ngành kinh tế truyền thông số

“Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được kỳ vọng định hướng, hỗ trợ và gỡ vướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi.

Trong tầm nhìn 2030, hệ thống báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin.

Internet băng thông rộng thế hệ mới với công nghệ số đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra cách thức, phương tiện truyền thông mới.

Internet băng thông rộng thế hệ mới với công nghệ số đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra cách thức, phương tiện truyền thông mới.

Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, đa phương tiện

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn” mới đây, lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã có Tờ trình số 54/TTr-BTTTT về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, internet băng thông rộng thế hệ mới với công nghệ số đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra cách thức, phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin. Mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế và là phương tiện truyền thông rộng rãi và nhanh nhất thế giới hiện nay với lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao.

Cá thể hóa nội dung, ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm của người dùng sẽ là xu thế chủ đạo. Các nền tảng công nghệ, truyền thông xuyên biên giới (Big Tech) sở hữu các nền tảng lớn về nội dung và phân phối, sở hữu kho dữ liệu khổng lồ mang tính chi phối, triệt để thu thập, khai thác dữ liệu, độc quyền và liên kết dữ liệu giữa các nền tảng công nghệ.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí.

Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang…

Mô hình tòa soạn hội tụ.

Mô hình tòa soạn hội tụ.

Theo lãnh đạo Cục Báo chí, mục tiêu Chiến lược Chuyển đổi số đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Các cơ quan báo sẽ đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng… Áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân...

Mô hình hội tụ nội dung và công nghệ

Về chiến lược chuyển đổi số tầm nhìn 2030, TS Trần Quang Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, chuyển đổi số báo chí hiện là xu hướng bắt buộc nếu như một tờ báo không muốn bị bỏ lại phía sau. Khái niệm hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ như là chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại.

Để làm được như vậy, cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Ví dụ như: một phóng viên có thể thực hiện đưa tin tại hiện trường, đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clip…) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu, ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các phòng/ban hay phóng viên khác để thực hiện các bài viết sâu hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ.

Bên cạnh đó, các hệ thống xử lý tin, bài thông minh sẽ cho phép tự tạo ra các tin, bài một cách tự động thông qua các kỹ thuật báo chí hiện đại như: báo chí dữ liệu, báo chí di động, megastory/longform, hay các kỹ thuật học máy hay xử lý/phân tích dữ liệu. Cùng với đó, hệ thống lọc và phân tích nội dung cho phép lọc/phân tích thông tin dựa trên các vấn đề liên quan và lịch sử/nội dung các bài viết thông qua trung tâm tích hợp dữ liệu. Các dữ liệu này được coi là dữ liệu đầu vào cho toàn hệ thống.

Vai trò của Ban Biên tập và Thư kí tòa soạn lúc này đặc biệt quan trọng. Các dữ liệu thông tin liên quan đến chỉ đạo, báo cáo của Ban Biên tập, Thư ký tòa soạn, Phóng viên sẽ được lưu trữ trên hệ thống, đồng thời thông qua hệ thống sẽ quyết định loại hình tin/bài sẽ được xuất bản lên các kênh truyền thông phù hợp.

Theo ThS Lê Vũ Điệp - giảng viên Truyền thông đa phương tiện (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông), việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận hành đã tạo ra diện mạo mới cho ngành báo chí thông tấn trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Nhu cầu nhân lực

của thị trường lao động trong lĩnh vực báo chí thông tấn hướng đến mục tiêu đào tạo nhà báo đa năng (All-in-One). Với mục tiêu này, các nhân lực có thể đảm trách đa nhiệm các công việc liên quan đến thực hành nghiệp vụ báo chí như: phát hiện và xử lý thông tin, viết bài, thiết kế nội dung, chụp ảnh/ghi hình kỹ thuật số; xử lý dữ liệu phản hồi từ công chúng, quản trị hiệu quả truyền tải thông tin…

Tiến tới ngành công nghiệp báo chí – truyền thông “số”

Trong tầm nhìn 2030, TS Trần Quang Diệu cũng dự báo xuất hiện thế hệ công chúng số và kỷ nguyên báo chí công nghệ số hội tụ. Một trung tâm tích hợp bao gồm hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung sẽ mở ra ngành công nghiệp báo chí – truyền thông “số”.

Cùng với đó, sẽ phát triển ngành kinh tế truyền thông, tạo thêm nguồn thu mới cho các tòa soạn. Trong những năm 2030, khán giả sẽ trở thành đồng tác giả trong quá trình sáng tạo và phổ biến thông tin, tiến tới hình thành mô hình truyền thông đại chúng. Ranh giới các loại hình báo chí truyền thống nhoà dần đi, thay vào đó là xu thế đa loại hình và liên loại hình. Trong 5 năm tới, báo chí sẽ sớm khai thác sử dụng tự động hóa (automation) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói - text to speech), công cụ xác thực thông tin (fact-check), sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (VR, AR) để phát triển sản phẩm…

Trong tương lai gần, báo chí không chỉ dừng lại ở việc đưa tin tức hay thực hiện các phản ánh sự vật, hiện tượng trong xã hội một cách tương đối thụ động như hiện nay. Các hoạt động báo chí – truyền thông sẽ dần thay đổi để phù hợp hơn với xu thế của video trực tuyến, chatbots, đa nền tảng, đa giao diện, cá nhân hóa hay tương tác, các kỹ thuật và công nghệ thực tại ảo – thực tại tăng cường…

Đáng chú ý, hiện nay, trong việc ứng dụng công nghệ, các chương trình thông minh như chatbot - một chương trình máy tính tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên dưới một giao diện đơn giản, âm thanh hoặc dưới dạng tin nhắn đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Trong việc ứng dụng các thuật toán thông minh nhân tạo, chatbot này có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy, qua đó cung cấp nội dung tốt nhất tới độc giả. Hiện nay, VietnamPlus là cơ quan báo chí đầu tiên ứng dụng công nghệ này trong tương tác với độc giả khi truy cập vào fanpages hay website.

Tuy nhiên, theo Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus, việc chuyển đổi số tại VietnamPlus nói riêng và các báo nói chung hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Đó là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây. Phần lớn bạn đọc, nghe, xem qua các phương tiện số. Cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều... đang đặt ra những thách thức lớn với các tòa soạn trong chuyển đổi số. Việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số cũng rất khó khăn khi đa phần lợi nhuận quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... Chưa kể vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan, xu hướng gia tăng.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khẳng định quyền năng của công nghệ đối với đời sống xã hội, đóng vai trò quyết định đối với tương lai của ngành báo chí. Báo chí đang trải qua quá trình dịch chuyển mang tính nền tảng lớn nhất trong lịch sử, đối mặt với những áp lực phải đổi mới.

Mấu chốt nằm ở con người và tư duy

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định: “Nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số. Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số”.

Theo Đời sống
back to top