Ý tưởng từ rác
Phạm Mạnh Đình và Vũ Văn Dương (sinh viên năm 2 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) là tác giả của sản phẩm sáng tạo “gạch lát nền từ nilông tái chế” đang rất nổi tiếng hiện nay.
Chia sẻ với báo KH&ĐS, bạn Phạm Đình Mạnh cho biết: “Ý tưởng biến rác thải thành vật liệu xây dựng đã được bản thân em ấp ủ từ rất lâu rồi. Nhưng thực sự chỉ khi bước chân vào giảng đường đại học, được sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè thì chúng em mới hoàn thành được ý tưởng”.
Mạnh chia sẻ rằng, cách đây hơn 3 năm khi còn là học sinh trường Trung học phổ thông KRông Bông (Đắk Lắk). Hằng ngày đạp xe đi học qua chợ huyện, ở phía sau cổng có rất nhiều rác thải nilông bị vứt bừa bãi. Mỗi khi trời mưa lũ, số rác thải này trôi ra sông suối rồi vướng lại ở cánh đồng ruộng lúa.
Năm Đình học lớp 11 cũng là lúc cây cầu chữ V đi từ huyện Krông Bông đến nhà máy sắn bị gãy, đã làm mất đi cây cầu kinh tế của địa phương. “Lúc đó, 1kg mì chưa tới 500 đồng mà trời mưa lũ, mùa màng mất đi, cộng với cầu hỏng nên nhà em như điêu đứng với những khoản nợ”, Đình nhớ lại.
Vậy là từ biến cố mưa lũ khiến cây cầu chữ V bị hỏng đã khiến Đình nảy ra ý tưởng nghiên cứu một sản phẩm bê tông mới để xây dựng cây cầu vững chắc cho quê hương. Từ đó, cậu học trò nhỏ đã vụt ra suy nghĩ tái chế nilông để ứng dụng trong xây dựng.
Là con nhà nông, thường xuyên phải cặm cụi với bếp núc nên nhìn đám vỏ trấu cháy trộn với bao nilông trong bếp, Đình tìm thấy một loại hỗn hợp rắn chắc và bắt tay vào thực hiện một loại vật liệu từ trong bếp. Khám phá này của Đình đã từng đoạt một giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.
Từ trái qua: Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình. |
Giải quyết bài toán rác thải
Khi bước chân vào đại học, Đình quen với bạn Vũ Văn Dương và cả hai bắt tay một loại vật liệu mới từ cát và nilông. “Trong thời gian đầu chúng em nghiên cứu có rất nhiều khó khăn. Em bên ngành Công nghệ thông tin, còn bạn Dương bên ngành xây dựng, cả hai chúng em đều là sinh viên năm nhất”, Đình cho biết.
Hai bạn sinh viên chia sẻ rằng, đề án nghiên cứu diễn ra tại Viện sư phạm kỹ thuật. Vì chưa có hệ thống đo lường nên chỉ nghiên cứu trên sự cảm tính. Làm hơn 60 mẫu thử trong gần 2 tháng, không biết bao nhiêu lần thất bại với những nồi nấu, lò đốt rồi pha trộn với từng công thức tỉ mỉ. Cuối cùng hai bạn đem mẫu sản phẩm lên tầng cao của tòa nhà để thả xuống xem độ nứt mẻ, đồng thời kiểm tra độ chịu lực.
Được sự giúp đỡ của cô Thủy và thầy Thắng, hai bạn trẻ đã thành công với ý tưởng độc đáo. |
Sau đó hai bạn trẻ được sự giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, giảng viên khoa Khoa học ứng dụng để hoàn thành một số mẫu đo dự thi nghiệm thu nghiên cứu khoa học sư phạm kỹ thuật. Từ đó lại được TS. Lê Anh Thắng - phụ trách đề tài hướng dẫn.
Thỉnh thoảng người ta lại thấy hai chàng sinh viên rủ nhau ra chợ Tăng Nhơn Phú ở Quận 9 tìm kiếm túi nilông mang về làm nguyên liệu. Thành phẩm đầu tiên khi hoàn thành được hai bạn đặt tên là UNC (U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Sư phạm kỹ thuật, N là nilông, còn C là cát).
Sản phẩm gạch lát nền từ nilông tái chế. |
Được sự hướng dẫn của TS. Lê Anh Thắng hai bạn được vào phòng thí nghiệm, được dùng máy, thiết bị của trường để đo các thông số của mẫu gạch làm ra bám theo tiêu chuẩn gạch lát nền hiện tại của Việt Nam. Kết quả khả quan khi các thí nghiệm về độ nén - uốn, va đập của mẫu đều đạt hoặc vượt theo tiêu chuẩn.
“Sản phẩm UNC của hai sinh viên là sản phẩm sáng tạo thông minh và đầy tâm huyết. Tất nhiên, sản phẩm gạch lát nền từ nilông tái chế sẽ cần thực nghiệm thêm một vài thông số khác, nhưng tôi cho rằng sản phẩm đảm bảo tính ứng dụng vào thực tế. Đồng thời, cũng giải được bài toán về rác thải từ nilông”, TS. Lê Anh Thắng, khoa Kỹ thuật xây dựng - ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.