Tác hại khi bóng đèn lắp cao hơn quạt

Bóng đèn điện lắp cao hơn quạt sẽ làm ánh sáng bị phân khúc liên tục, dẫn đến nhức mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt, thị lực kém… Lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh về mắt.

Sai cơ bản về thiết kế kiến trúc

Từng đi khảo sát việc sử dụng bóng đèn điện tại nhà dân, trường học, bệnh viện, siêu thị… TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, tình trạng lắp bóng đèn điện sai cách dẫn đến ô nhiễm ánh sáng xảy ra khá phổ biến.

Đáng nói là hậu quả của nó cực kỳ tai hại nhưng lại ít người để tâm đến. Chưa nói gì đến ánh sáng, việc thiết kế quạt điện ngay dưới bóng điện, hoặc lắp quạt điện song song với bóng điện, làm cho nguồn sáng liên tục bị ngắt quãng khi quạt điện hoạt động.

“Từ những năm 1995-1996, tôi đã kêu gọi thiết kế mắc đèn học đường hợp lý, bảo vệ mắt học trò hiệu quả. Tôi phản đối việc mắc đèn cao hơn quạt trần vì nếu quạt quay với vận tốc góc là 25 vòng/giây thì ánh sáng rọi xuống với người nhìn không sao, nhưng tất cả các quạt trần hiện nay đều hoạt động với vận tốc góc nhỏ hơn, khi đó, bóng cánh quạt sẽ loáng loáng. Sau một thời gian, học trò sẽ bị loạn thị.

Ở bệnh viện, công sở, nơi công cộng sẽ khiến người ở đó bị nhức mỏi mắt, chóng mặt, đau đầu, tác động xấu đến thị lực. Đáng tiếc là đến giờ, tình trạng lắp đặt sai bóng điện, quạt điện lại khá phổ biến. Ở hầu khắp những nơi tôi khảo sát, tình trạng này không được khắc phục nhiều”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, ở đây có thể do lỗi của người thiết kế, xây dựng không biết, không hiểu về kỹ thuật chiếu sáng, không biết về sử dụng đèn chiếu sáng lại tùy tiện mắc. Ngay ở Bảo tàng Hà Nội cũng có tình trạng này theo khảo sát của tôi. Đó là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng người ta lại không để ý.

Trong các gia đình, tuyệt đối không thiết kế bóng điện và quạt kiểu này, tránh tình trạng thị lực học sinh giảm, tình trạng loạn thị tăng, người già thì đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ… chỉ vì bật quạt điện và bóng điện song song cùng lúc.

Sử dụng bóng đèn đúng cách

TS Nguyễn Văn Khải cho biết, ánh sáng tốt nhất là loại ánh sáng có màu của trời nắng không mây và không phải loại đèn nào cũng có được ánh sáng này. Tùy từng tính chất công việc có thể lựa chọn đèn có độ rọi sáng khác nhau. Ví dụ như người vẽ kỹ thuật cần phân biệt màu chính xác nên chọn đèn có độ rọi sáng 3000 Lux, người đọc sách, làm việc bình thường chỉ cần đèn có độ rọi sáng từ 300 đến 500 Lux.

Đối với học sinh, một đèn bàn tạo tiện nghi chiếu sáng tốt nhất, theo TS Khải phải đảm bảo các yếu tố như cao ít nhất 45cm, máng phải che khuất bóng đèn, để khi làm việc không nhìn thấy bóng bởi nếu nhìn thấy bóng đèn rất dễ gây nhức, mỏi mắt.

Máng đèn phải quay được theo các hướng, cần đèn có thể thay đổi được độ cao của đèn. Tốt nhất là nên dùng nguồn sáng dài (bóng dài) vì bóng dài tạo ra quang trường tương đối đồng đều; độ rọi sáng đạt từ 300 đến 500 Lux.

Nhiều người dùng bóng đèn dây tóc nóng sáng với ánh sáng vàng sẽ đỡ hại mắt, không bị cận thị là hoàn toàn sai lầm. Bởi mắt người không nhạy cảm với màu vàng mà hợp với dải phổ nhiều màu.

Các bậc cha mẹ có thể kiểm tra nguồn ánh sáng của đèn bằng cách quan sát, nếu ánh sáng ở trên bàn dưới ngọn đèn gần giống với ánh sáng dưới cửa sổ khi trời không mây là đèn có ánh sáng tốt. Sau khi làm việc, ngồi học đúng tư thế dưới ánh đèn trong vòng 30 – 45 phút không thấy hiện tượng nhức, mỏi mắt.

Nhiều người có thói quen tiết kiệm điện hoặc tắt đèn trong phòng chỉ để lại 1 ngọn đèn bàn khi trẻ học, đó là một thói quen rất tai hại, lợi ít nhưng hại nhiều, rất bị lóa mắt khi nhìn từ sáng ra tối hoặc ngược lại, hơn nữa chỉ có một nguồn sáng duy nhất nên nhìn lâu bị mỏi mắt. Vì vậy khi trẻ học ngoài đèn bàn nên bật đủ đèn trong phòng.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, ngoài việc lắp bóng đèn cao hơn quạt điện, vị trí kê bàn học cũng rất quan trọng, không được kê bàn học ngược sáng với đèn tuýp treo trong phòng, cho dù có đèn bàn nhưng vẫn gây ra bóng trên bàn học

Bảo Khánh

Theo Đời sống
Vật chứng cổ xưa thời đại Hùng Vương

Vật chứng cổ xưa thời đại Hùng Vương

Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại 2.000-1.500 năm TCN, là giai đoạn xa xưa nhất của thời đại Hùng Vương. Cùng đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để ngắm những vật chứng quý giá của thời kỳ này.
back to top