Ở cương vị nào cũng hết sức tận tâm, tận lực
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngày 13/3/1954, Giáo sư Tạ Quang Bửu có mặt trong Đoàn đại biểu Chính phủ ta rời chiến khu Việt Bắc, lên đường qua Trung Quốc và Liên Xô cũ, tới Thụy Sỹ dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Trong Hội nghị này, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu với tư cách đại diện Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ký hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp, trước sự chứng kiến của các quan khách và báo chí nước ngoài. Hòa bình lập lại, GS Tạ Quang Bửu vẫn tiếp tục giữ cương vị Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong một thời gian. Sau đó Đảng và Nhà nước cử ông làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.
Anh Tạ Quang Chính, con trai GS Tạ Quang Bửu vốn là một sĩ quan quân đội kể rằng, mặc dù phải gánh vác rất nhiều trọng trách, ở cương vị nào cũng hết sức tận tâm tận lực nhưng ông luôn tỏ ra áy náy vì vẫn chưa cống hiến hết năng lực của mình. Biết chuyện, ông Hoàng Đạo Thúy, người vừa là bạn, vừa là đồng chí và là bố vợ GS Tạ Quang Bửu đã nói: “Chưa từng có nhà trí thức nào được sử dụng nhiều và hiệu quả như bố cháu”.
Sở dĩ GS Tạ Quang Bửu trở thành nhà trí thức có kiến thức bách khoa, uyên bác trong nhiều lĩnh vực, có thể đảm trách những công việc mang tính chất rất khác nhau, bởi lẽ ông là người luôn biết làm cho mình lớn lên và giàu có thêm bằng cách tự học, với ông, bằng cấp chưa nói lên được điều gì, lĩnh hội kiến thức thực để hành chứ không phải để thi cử. Ông xa lạ với lối thuyết giáo suông, ông khinh ghét sự giả tạo và thói hư danh. Khả năng học, đọc và làm việc của ông thật đáng kinh ngạc. Ngay trong những ngày gian khó tại chiến khu Việt Bắc, ông đã cho ra đời bốn cuốn sách đúc rút từ vốn hiểu biết cực kỳ phong phú và sâu sắc của mình: Nguyên tử - hạt nhân – vũ trụ tuyến, Vật lý cương yếu, Thống kê thường thức, Sống. GS Tạ Quang Bửu mất khi đang ôm ấp dự định nghiên cứu “chiến lược con người” và sau khi nhà thông thái ấy ra đi, người ta mới kịp in cuốn Hạt cơ bản của ông. Bà Hoàng Oanh, phu nhân GS Tạ Quang Bửu cho biết, sinh thời ông đầy kín những sách là sách, tiếng Anh, tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức… hầu như cuốn nào cũng có bút tích nhận xét. Bà Hoàng Oanh kể: “Nhà tôi đọc sách bất cứ khi nào có thể, lúc ăn cơm tay vẫn không rời sách, thậm chí ông ấy còn đem sách vào nhà vệ sinh ngồi lì cả tiếng đồng hồ, gọi mới chịu ra”. GS Tạ Quang Bửu thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp không khác gì tiếng mẹ đẻ, ông còn nắm vững tiếng Trung Quốc và tiếng Đức. Năm 1954, bộ đội ta bắt đầu nhận được vũ khí phòng không của Liên Xô cũ viện trợ, kèm theo hướng dẫn sử dụng nhưng hầu như Cục Quân khí đều “mù tiếng Nga”. Bộ Quốc phòng khi đó chỉ có phiên dịch tiếng Nga. Bí quá, cán bộ Ban Nghiên cứu đã đi bộ suốt một ngày đêm, lên Bộ Quốc phòng cầu cứu GS Tạ Quang Bửu. Ông xem và dịch ngay ra tiếng Pháp khiến đồng chí cán bộ kia phục lăn.
“Cha các cháu là một người rất dũng cảm”
Người ta mới biết nhiều đến một Giáo sư Tạ Quang Bửu uyên bác, trách nhiệm và cởi mở nhưng ông còn là một trí thức chân chính, dũng cảm. Dưới thời ông làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, khi hoàn cảnh đất nước và ngành giáo dục còn vô vàn khó khăn, ông đã mạnh dạn cử những học sinh Việt Nam đầu tiên đi dự kỳ thi toán quốc tế tại CHDC Đức. Ông đã không lầm, đội học sinh Việt Nam có 5 người thì 4 người đoạt giải, kể cả giải nhất. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã không sợ làm một số cán bộ cao cấp mếch lòng khi từ chối việc “linh động” cho phép người nhà của họ được đi học nước ngoài không qua thi tuyển. Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Có người đã nói: “Gia đình tôi suốt đời biết ơn ông Tạ Quang Bửu. Nhờ ông đặt ra việc thi vào đại học mà con tôi thi đạt điểm cao đã được đi học nước ngoài. Tôi là cán bộ thường, gia đình nghèo, làm sao dám mơ cho con học đại học, nói gì đến việc được đi học nước ngoài. Nếu ông Bộ trưởng Tạ Quang Bửu không đặt ra chế độ thi tuyển thì con chúng tôi làm sao “địch” lại được với con cháu các ông ở tỉnh trong việc tuyển chọn như trước đây?”. Trước ngày nghỉ hưu, trong cuộc họp Quốc hội, ông vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm về việc thực hiện chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực sẽ không thực tế nếu không quan tâm đến con người và khoa học sản xuất…
Như vị hiệp sĩ luôn trung thành với những nguyên tắc cao thượng của mình, GS Tạ Quang Bửu chiến đấu chống lại những đặc quyền đặc lợi phi lý, sự giả ngụy cũng như thói ảo tưởng. Ông không run sợ trước cái xấu bởi lẽ suốt đời không hề vun vén cho cá nhân mình và tấm lòng ông trong trẻo tựa ban mai. Một người bạn của ông, nhà toán học Pháp L.Schwartz, người từng đoạt giải Fields đã nhận xét: “C’estail un home merveilleux” (đó là một người tuyệt vời). Khi được tin GS Tạ Quang Bửu mất ngày 21/8/1986, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vào ngay bệnh viện. Ông nói với con gái GS Tạ Quang Bửu: “Cha các cháu là một người rất dũng cảm”. Những người yêu quý GS Tạ Quang Bửu đều biết đó hoàn toàn không phải một lời nói xã giao.