Suy kiệt vì giun mỏ lúc nhúc đâm thủng ruột non

(khoahocdoisong.vn) - Các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện E vừa nội soi gắp giun mỏ lúc nhúc trong ruột non gây chảy máu ồ ạt cho một bệnh nhân nam (36 tuổi, người dân tộc Dao, ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Loại giun này gây thiếu máu, suy tim và phù toàn thân.

Suy kiệt vì giun hút máu

Bệnh nhân này được chuyển từ một bệnh viện tuyến dưới lên cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt, da xanh, mất thăng bằng do mất máu nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt… Mặc dù các bác sĩ tuyến dưới cũng cho bệnh nhân thực hiện nội soi dạ dày, đại tràng nhưng không phát hiện tổn thương gây nên tình trạng mất máu.

Nội soi "bắt" giun mỏ cho bệnh nhân tại Bệnh viện E.

Nội soi "bắt" giun mỏ cho bệnh nhân tại Bệnh viện E. 

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã cho truyền máu, truyền dịch nâng cao thể trạng, chụp cắt lớp vi tính đa dãy nhằm khảo sát mạch máu ruột non để phát hiện bất thường. Kết quả nội soi ruột non bóng đôi cho thấy có nhiều giun lúc nhúc bám trên niêm mạc ruột hút máu với nhiều điểm tổn thương, chảy máu. Các bác sĩ tiến hành gắp ở một đoạn ruột non của bệnh nhân được gần 20 con giun trưởng thành. Mẫu xét nghiệm giun tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư khẳng định là giun mỏ.

Bệnh nhân cho biết, công việc chính là trồng cây quế và cây ăn quả nên thường xuyên tiếp xúc với đất, nhưng lại không mang đồ bảo hộ, thậm chí có thói quen nằm lăn ra nền đất ruộng để ngủ, ăn các loại rau rừng, măng chưa nấu chín, uống nước suối (chưa đun sôi). Bệnh nhân không biết mắc giun mỏ lúc nào, chỉ biết cuối tháng 1/2020 có hiện tượng sụt cân, bụng thường xuyên xuất hiện những cơn đau dữ dội vùng thượng vị nên đã đi khám.

ThS.BS Đặng Trung Thành, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện E - người tham gia trực tiếp nội soi gắp giun mỏ cho bệnh nhân cho biết, mức độ nguy hiểm của loại giun này có đôi răng hình bán nguyệt sắc bén ngoạm vào niêm mạc ruột để hút máu. Giun mỏ hút khoảng 0,03 – 0,05ml/ngày. Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông máu làm cho các vết tổn thương vẫn tiếp tục chảy máu, kể cả khi giun đã chuyển sang ký sinh ở chỗ khác. Hơn nữa, giun mỏ còn tiết ra độ tố ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân.

Có thể xâm nhập lên cả tim, phổi

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giun móc/mỏ là một trong những bệnh giun lây truyền qua đất rất phổ biến ở nước ta, đứng thứ hai sau giun đũa, với tỷ lệ nhiễm từ 3 – 85% tùy theo tính chất nghề nghiệp, tập quán canh tác, điều kiện vệ sinh và tính chất thổ nhưỡng ở từng vùng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi lao động, nữ nhiễm cao hơn nam do phụ nữ thường làm các công việc tiếp xúc với đất.

Giun mỏ bám vào thành ruột non để hút máu.

Giun mỏ bám vào thành ruột non để hút máu.

Giun mỏ xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân...). Ở giai đoạn đầu gây viêm da tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập sau đó theo tĩnh mạch về tim, phổi gây viêm phổi dị ứng. Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun trưởng thành. Do những chất tiết của giun hoặc những hoạt động của giun thúc vào thành ruột gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm cho thành ruột bị tổn thương (viêm và chảy máu, có những nốt sùi và sẹo), gây buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa lỏng, ỉa ra máu. Ấu trùng giun mỏ cũng có thể vào cơ thể qua đường ăn uống do thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Tính từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42 - 45 ngày. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non. Nhưng có một số ấu trùng giữ trạng thái tiềm tàng ở các tổ chức tới 8 tháng sau mới phát triển thành giun trưởng thành. Đời sống của giun móc dài khoảng 4 - 5 năm và giun mỏ dài khoảng 10 - 15 năm nếu không được điều trị. 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, ngoài tác hại hút máu giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng. Triệu chứng đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu. Khi ấu trùng giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và tự hết sau 1 - 2 ngày. Phụ nữ nhiễm giun mỏ thường bị rối loạn kinh nguyệt, trẻ em chậm lớn, còi cọc, giảm thị lực, hay quên làm sa sút học tập, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng và thậm chí gây phù toàn thân.

Để phòng tránh nhiễm giun sán nói chung, đặc biệt là nhiễm giun mỏ nói riêng, ThS.BS Đặng Trung Thành khuyến cáo, cần đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch, ăn chín uống sôi. Nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của bệnh do giun mỏ ảnh hưởng đến sức khỏe, điều trị triệt để cho những người nhiễm giun mỏ. Người tiếp xúc trực tiếp với đất phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun mỏ ít nhất 1 lần/năm. Không dùng phân tươi bón ruộng, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân hợp vệ sinh. Làm sạch ngoại cảnh, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng. Tẩy giun định kỳ theo chương trình “Tẩy giun cộng đồng 6116” với 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6/1 và ngày 1/6.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top