Sức hút từ “quyền lực mềm”

Theo anh Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ứng viên Tiến sĩ, ngành Quản trị & Chính sách công, Đại học Portland State, Hoa Kỳ), sự hâm mộ của người dân đối với Thủ tướng Canada cho thấy sức hấp dẫn đến từ “quyền lực mềm” – là sự thu hút và ảnh hưởng của cá nhân lãnh đạo cũng như đất nước họ.

Anh Nguyễn Văn Đáng trò chuyện cùng PV KH&ĐS về sức hấp dẫn của “quyền lực mềm”.

Hình ảnh phá vỡ chuẩn mực truyền thống

Khi sang Việt Nam dự tuần lễ cấp cao APEC, hình ảnh Thủ tướng Canada đã “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn. Nhiều người thậm chí còn gọi ông ấy là “soái ca”. Cảm nhận của anh về vị Thủ tướng này như thế nào?

Tôi cũng như mọi người, có cảm nhận rất tích cực về ông Trudeau. Ông ấy gây được thiện cảm trước hết từ phong cách và dáng vẻ bề ngoài: trẻ trung, đẹp trai, thân thiện, lịch lãm và gần gũi.

Việc ông thủ tướng một đất nước giàu mạnh nhưng lại rất bình dị, luôn tươi cười, dạo phố, uống cà phê… đã thực sự “đốn tim” nhiều người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ.

Tôi thấy đây không phải lần đầu tiên khá đông người dân Việt Nam bị “đốn tim” trước một hình ảnh chính khách nước ngoài thế này?

Đúng vậy. Thực ra thì trước ông Trudeau, dư luận ở Việt Nam, nhất là các “cư dân mạng”, đã từng ngất ngây ngưỡng mộ ông Emmanuel Macron và ông Sebastian Kurz – những người đã giành chiến thắng sau các cuộc bầu cử gần đây ở Pháp và Áo để trở thành lãnh đạo quốc gia.

Điểm chung giữa ba ông này là đều còn rất trẻ, vẻ ngoài rất phong độ – những đặc điểm thường gắn với giới nghệ sĩ chứ không phải giới chính khách.

Theo anh, đâu là nguyên nhân tạo ra dư luận ngưỡng mộ các chính khách như ông Trudeau?

Theo tôi, căn nguyên là bởi sự khác biệt do họ tạo ra: cả ba ông Trudeau, Macron, hay Kurz đều đã đạt được những thành tích rất sớm về chính trị ở các quốc gia phát triển – một lĩnh vực thường gắn với hình ảnh các chính khách trung niên hoặc cao tuổi, đạo mạo, chứ không phải những “chàng trai” như họ.

Họ có vẻ ngoài ấn tượng, phong cách trẻ trung, cùng những phát ngôn và hành động thu hút được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.

Có thể bởi trong suy nghĩ của nhiều người Việt vốn đã tồn tại một ý niệm chuẩn mực khác về tuổi tác, học vấn, phong cách của lãnh đạo, cho nên khi các vị như trên xuất hiện đã phá vỡ các ý niệm truyền thống và phổ biến và tạo được sự chú ý trong dư luận.

Sự hâm mộ như thế này rất ít khi xuất hiện ở trong nước. Có phần nào do tâm lý “sính ngoại” không, thưa anh?

Đúng là gần đây ở trong nước chưa thấy xuất hiện những nhân vật lãnh đạo trẻ mà gây ra được làn sóng ngưỡng mộ như các ông Trudeau, Macron, hay Kurz. Một số người đảm nhiệm các trọng trách như bí thư tỉnh ủy ở tuổi trên dưới 40 có gây được sự chú ý, nhưng chưa tạo được sự ngưỡng mộ. Đó là một thực tế.

Tôi không cho rằng sự ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo như ông Trudeau là do tâm lý “sính ngoại”, mà cái chính là họ cho thấy sự khác biệt so với những gì nhiều người vẫn nghĩ và hình dung về lãnh đạo hay chính khách, như tôi đã nói ở trên.

Hình ảnh Thủ tướng Canada “đốn tim” cư dân mạng.

Tương tác lớn thì dễ tạo ra “làn sóng”

Theo anh, nguyên nhân là do đâu?

Nguyên nhân thì rất đa dạng. Có những yếu tố thuộc năng lực và phong cách cá nhân; có những yếu tố thuộc khung khổ thể chế lựa chọn lãnh đạo; và cũng có những yếu tố thuộc về giá trị và chuẩn mực của cộng đồng xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi thì khung khổ thể chế lựa chọn lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất.

Vì sao lại là yếu tố quan trọng nhất, thưa anh?

Vì cách thức hay thể chế lựa chọn lãnh đạo không chỉ giúp điều chỉnh hành vi của nhà lãnh đạo tương lai, mà còn định hình mối quan hệ giữa họ với người dân. Tại các nước như Canada, Pháp, hay Áo, các ông như Trudeau, Macron hay Kurz phải tham gia tranh cử để có thể trở thành lãnh đạo quốc gia.

Bầu cử là một quy trình mở, cạnh tranh cam go, có sự tương tác rất lớn đối với dân chúng cho nên khi họ thành công thì rất dễ tạo ra làn sóng ngưỡng mộ trong xã hội.

Còn cách thức lựa chọn lãnh đạo ở nước ta tuân theo một quy trình quy hoạch khép kín hơn, với các quy định và tiêu chí cố định hơn. Mọi thứ được lập trình chặt chẽ cho nên sẽ ít thấy xuất hiện các nhân vật tạo sự chú ý đột biến trong xã hội giống như họ.

Sự hâm mộ của một bộ phận người dân đối với các chính khách như ông Trudeau gợi cho anh suy ngẫm gì?

Bất kỳ sự bàn luận nào thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong xã hội đều có thể phản ánh một sự mong đợi nào đó của xã hội. Với Việt Nam thì sự ngưỡng mộ, bàn luận về ông Truedau có thể cho thấy, người dân, nhất là giới trẻ đang mong đợi trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ có những lãnh đạo trẻ trung và có sức hút mạnh mẽ như ông Trudeau.

Đến Việt Nam, ông Trump đã rất tinh tế khi sử dụng hình ảnh Hai Bà Trưng trong bài phát biểu của mình tại Đà Nẵng. Cùng với tài hùng biện, chỉ một chi tiết đó thôi, ông Trump đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng người dân Việt Nam. Hoặc ông Obama hay ông Trudeau khi thăm Việt Nam đều có những phát ngôn tạo cảm hứng, thể hiện một phong cách rất gần gũi, văn minh và lịch lãm. Kết quả là họ có một sức thu hút và ảnh hưởng rất lớn đến người dân Việt Nam. Xét ở góc độ quy tụ nhân tâm và thuyết phục sự ủng hộ thì rõ ràng họ đã thành công.

“Quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”

Theo anh, một nhà lãnh đạo có sức hút mạnh mẽ như vậy sẽ có lợi thế gì?

Giới chuyên môn thường gọi sức hấp dẫn và ảnh hưởng của cá nhân nhà lãnh đạo là “quyền lực mềm”. Bản chất của hoạt động lãnh đạo là quy tụ sự ủng hộ để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.

Người lãnh đạo ở bất kỳ cấp nào, khu vực tư nhân hay khu vực công, muốn thành công thì phải có khả năng tạo ra sức hấp dẫn đối với người khác, khả năng thuyết phục người khác, để qua đó tập hợp được sự ủng hộ cho các ý tưởng lãnh đạo của mình.

Những người có quyền lực mềm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tập hợp sự ủng hộ cho các ý tưởng lãnh đạo. Nó khác với “quyền lực cứng”, vốn mang bản chất cưỡng ép do vị trí đảm nhiệm đem lại.

Tức là “quyền lực mềm” sẽ hỗ trợ “quyền lực cứng” để thực hiện vai trò lãnh đạo tốt hơn?

Đúng vậy. Lãnh đạo không thể chỉ dựa trên sự cưỡng ép của quyền lực tổ chức cho nên ý thức vun đắp hình ảnh và ảnh hưởng của nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Quyền lực mềm sẽ tạo ra sức hấp dẫn, qua đó thu hút thiện cảm và sự ủng hộ.

Vai trò lãnh đạo là định hướng và dẫn dắt cho nên muốn thành công bền vững thì các nhà lãnh đạo phải tạo ra niềm tin và sự thuyết phục, vốn phụ thuộc rất lớn vào quyền lực mềm mà họ có. Một nhà lãnh đạo thông thái, dù ở bất kỳ cấp độ nào hay khu vực nào, thì không thể coi nhẹ việc tạo dựng “quyền lực mềm” cho bản thân.

Để có “quyền lực mềm”, theo anh,một nhà lãnh đạo cần hội tụ những yếu tố gì?

Để có “quyền lực mềm” thì cá nhân nhà lãnh đạo trước hết phải cho thấy họ đại diện cho các giá trị tiến bộ, được đông đảo cấp dưới hoặc người dân mong đợi. Khi nghĩ đến nhà lãnh đạo là người ta nghĩ ngay đến những giá trị tích cực mà bản thân họ chia sẻ và cũng đang theo đuổi.

Các nhà lãnh đạo cũng phải là người tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực phổ biến trong xã hội. Họ phải là những “kiểu mẫu tích cực” về phong cách giao tiếp, lối sống, tác phong làm việc, chuẩn mực hành vi cá nhân. Tức là nhìn vào đó, người ta muốn học tập và noi theo.

Trân trọng cảm ơn anh!  

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top