Nhiều nhà khoa học đã đưa ra những đánh giá khách quan về hiện trạng sử dụng thuốc trừ cỏ tại Việt Nam hiện nay và hướng dẫn nông dân sử dụng có trách nhiệm, an toàn, hiệu quả.
Phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT): “Nếu không có các sản phẩm thuốc trừ cỏ hoá học, gần 1 nửa sản lượng nông nghiệp sẽ bị thiệt hại, từ khoảng 40 – 45%. Thêm vào đó, nếu chỉ sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, nông dân sẽ phải trả chi phí gấp 20 lần cho phòng trừ cỏ dại so với sản xuất thông thường, có sử dụng thuốc trừ cỏ.”
Trong số tất cả các phương thức trừ cỏ được áp dụng trong nông nghiệp hiện nay, thuốc trừ cỏ hóa học được sử dụng nhiều và phổ biến nhất do tác động nhanh, chi phí thấp, hiệu lực sinh học cao. “Thuốc trừ cỏ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tại chưa có giải pháp nào thay thế thuốc trừ cỏ hoá học ngay tại các khu vực canh tác phát triển như châu Âu từ hiệu quả tới chi phí. Việt Nam cũng đưa vào thử nghiệm nhiều phương pháp quản lý cỏ dại thay thế nhưng vẫn chưa thể áp dụng đại trà do giá thành đắt, hiệu quả thấp” – Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ.
Một trong các giải pháp được đưa ra là cần hạn chế, cắt giảm số lượng thuốc trừ cỏ tại Việt Nam – thay thế bằng các phương thức trừ cỏ sinh học, cơ giới hay làm cỏ thủ công… Tiến sỹ Nguyễn Trường Thành, Nguyên Trưởng Bộ môn thuốc, cỏ dại và môi trường – Viện Bảo Vệ Thực Vật cho biết: “Nếu sử dụng các biện pháp cũ như làm cỏ bằng tay, nông nghiệp hữu cơ chỉ có thể sản xuất ra 1/3 lượng lương thực như hiện tại. Sử dụng hoá chất là điều bắt buộc để có thể sản xuất đủ lương thực cho thế giới hiện tại. Tỉ lệ hoạt chất thuốc trừ cỏ trên 1 đơn vị diện tích tại Việt Nam thực tế là thấp. Ví dụ như Hà Lan 10kg AI/ ha trong khi Việt Nam trung bình 1kg AI/ ha. Ngoài ra, cũng không nên lấy tổng lượng nhập khẩu thuốc BVTV chia cho đơn vị diện tích canh tác để ra lượng sử dụng vì Việt Nam đang tái thuốc BVTV rất nhiều.”
Bản chất thuốc trừ cỏ không gây hại nếu sử dụng đúng. Đây là thông điệp được nhắc nhiều tại hội thảo. Theo CropLife Việt Nam, thời gian trung bình để có được một sản phẩm thuốc BVTV mới, trong đó có thuốc trừ cỏ, từ giai đoạn nghiên cứu, cấp phép đến khi ra thị trường hiện nay là 11 năm với tổng chi phí khoảng 286 triệu đô la Mỹ. Điều này cho thấy giai đoạn nghiên cứu và phát triển rất khắc nghiệt nhằm đảm bảo sản phẩm cuối cùng là hiệu quả, an toàn cho sức khoẻ con người và môi trường.
“Mặc dù, các hoạt động đào tạo, tập huấn nông dân của CropLife chưa thể tiếp cận tới tất cả 10 triệu nông hộ trên cả nước, nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đối tác có liên quan để thúc đẩy hiệu quả các chương trình này, trong đó chiến lược là triển khai các chương trình theo ngành hàng, chuỗi giá trị. Chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận và mang các chương trình này tới khoảng 1 triệu nông dân trong năm 2020.” – ông Bùi Kịp, đại diện CropLife Việt Nam cho biết.
Tọa đàm về thuốc trừ cỏ.
Tại cuộc tọa đàm này, trường hợp cụ thể về thuốc trừ cỏ Glyphosate bị những thông tin gây nhầm lẫn cũng được nhắc đến. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức cấm sử dụng glyphosate. Duy nhất chỉ có Sri Lanka ban hành lệnh cấm – hạn chế sử dụng glyphosate dựa theo phân loại của IARC vào năm 2016. Tuy nhiên, vào đầu năm 2018 Chính phủ Sri Lanka đã phải dỡ bỏ lệnh cấm này vì làn sóng phản đối dữ đội từ nông dân do những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cũng như các tác hại không thể khắc phục được. Tính đến nay, cũng không có bất kỳ cơ quan pháp chế nào kết luận glyphosate là tác nhân gây ung thư. Glyphosate lịch sử sử dụng an toàn, có hơn 800 nghiên cứu khẳng định tính an toàn từ các cơ quan uy tín hàng đầu thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ và các cơ quan pháp chế tại Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Úc, Canada…”
TV (tin tài trợ)