Styren trong nước sông Đà từ đâu ra?
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, styren là chất hữu cơ lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị ngọt, nhưng bốc mùi khó chịu khi đậm đặc. Styren được sử dụng rộng rãi để sản xuất polystyren và nhiều polymer khác, nhựa, lớp phủ và sơn. Styren không phải là thành phần chính của dầu nhờn thải. Nếu tiếp xúc với styren có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Styren tồn tại khá phổ biến trong môi trường sống, chủ yếu ở dạng khí, có trong khói thuốc lá, khí thải phương tiện giao thông, trong công nghiệp hoá dầu, sản xuất cao su, nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm. Trong nước, chất này có thể bay hơi hết sau 24-48 giờ; nếu vào cơ thể, có thể bán thải sau 8-9 giờ.
Styren có trong danh mục các chỉ tiêu phải xét nghiệm định kỳ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống số 1 của Bộ Y tế, thuộc vị trí thứ 46, nhóm hydrocacbua thơm. Chất này thuộc mức độ giám sát C, bắt buộc phải xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 năm do cơ sở cung cấp nước thực hiện và kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 1 lần/2 năm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Trong nước sinh hoạt, hàm lượng styren chỉ được ở mức dưới 20 microgam/lít.
ThS Trần Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, trong các loại dầu khoáng gồm xăng, dầu… đa phần không có styren. Đối với dầu tổng hợp thì người ta tuyệt đối không dùng styren. Dầu khoáng parafin, dầu chạy biến thế, biến áp khả năng có hàm lượng styren nhỏ do liên kết của hydrocacbon thơm. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là styren có trong nước sinh hoạt là từ đâu mà ra, có phải thực sự là từ dầu thải hay không?
Theo chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam), trong dầu thải thường chứa nhiều hợp chất có gốc vòng benzen, vòng phenol, là những chất có ngưỡng mùi rất thấp, chỉ một lượng nhỏ cũng có thể tạo mùi và độc gấp nhiều lần styren. Người dân có thể tự bảo vệ bằng cách biện pháp thủ công như dùng sục khí hoặc than hoạt tính để lọc nước. Máy lọc nước có dùng than hoạt tính có thể hạn chế được styren.
Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đang bị buông lỏng?
Đối với những nhà máy xử lý nước sạch là nước mặt như Công ty kinh doanh nước sạch Sông Đà, làm thế nào để kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn, giữ vững an ninh nguồn nước? GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường cho biết, nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy xử lý nước mặt. Thông thường các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn, khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp... Trong khu vực vùng đệm này phải được lắp đặt đầy đủ hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý. Đơn vị sản xuất phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tại khu vực này theo đúng quy định thì sự cố sẽ khó xảy ra.
Việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT về việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Các vùng bảo vệ nước đầu nguồn như hành lang bảo vệ nguồn nước, đới bảo hộ vệ sinh nguồn nước này thì Công ty nước sạch sẽ lập rồi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, có thể thấy trong vụ việc này, hành lang bảo vệ nguồn nước, đới bảo hộ vệ sinh chưa được chú tâm, làm không đúng theo quy định. Vụ việc xả dầu thải vào nguồn nước cho thấy trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và địa phương còn chưa cao, buông lỏng đảm bảo an ninh cho nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty nước sạch Sông Đà kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành nhà máy, làm rõ nguyên nhân các khâu, các bộ phận giám sát chất lượng nguồn nước, nếu các thiết bị không đạt yêu cầu cần có kế hoạch thay ngay...
Luật Tài nguyên nước 2012 quy định trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các cấp địa phương như sau: Đối với UBND cấp tỉnh: Xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn. Đối với UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.