Sốt ruột chờ "tháo" quy định áp trần chi phí lãi vay

(khoahocdoisong.vn) - 3 năm áp dụng thực tiễn, Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết dần lộ rõ những điểm hạn chế. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn phải ngóng Nghị định sửa đổi, dù Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể.

Mệt vì quy định trần chi phí lãi vay

Về bản chất, Nghị định 20 ra đời là nhằm chống việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) ở vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối ưu hoá lợi nhuận và giảm nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đưa ra áp dụng đại trà cho tất cả doanh nghiệp thì dường như mục tiêu ban đầu lại không đạt hiệu quả. Đặc biệt, khoản 3, Điều 8 có tính bất hợp lý đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 này quy định về việc khống chế tiền lãi vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (tức lợi nhuận thuần trước chi phí lãi và khấu hao) áp dụng cho tất cả khoản vay từ bên liên kết hay bên độc lập và ngân hàng.

Hiểu đơn giản, một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con nếu có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100đ thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20đ. Trường hợp vượt quá mức thì chi phí lãi vay đó sẽ không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, việc khống chế chi phí ở mức 20% sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Bởi lẽ, đầu tư càng nhiều thì chi phí lãi vay không được tính là chi phí hợp lý, dẫn đến tình trạng mất vốn. Thậm chí, với một số doanh nghiệp non trẻ chỉ lãi nhẹ trước thuế nhưng sau thuế lại âm, hoặc vốn dĩ đang ghi nhận lỗ nhưng vẫn phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến tăng lỗ nhiều hơn.

Thứ nữa, điều khoản này còn dẫn đến việc đánh thuế hai lần. Trong đó, bên cho vay thu được tiền lãi vay và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chi phí lãi vay nếu vượt ngưỡng.

Ngoài ra, việc khống chế đối với các đơn vị có giao dịch liên kết gây nên sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì doanh nghiệp độc lập không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Nhấn mạnh rằng, đối tượng chịu các ảnh hưởng trên đa số bao gồm doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, là những đối tượng rất ít động cơ để chuyển giá và trái với mục tiêu ban đầu của Nghị định.

Thực tế cho thấy, kể từ ngày 1/5/2017, khi Nghị định 20 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp “nội” đã phải rất vất vả để khống chế chi phí lãi vay. Vì vậy, không khó để điểm tên các ông lớn đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng. Đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam…

Mới đây, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vừa thoát khỏi thế khó trong hoạt động kinh doanh sau khi hợp tác với Công ty CP ô tô Trường Hải, nhưng lại bị quy định khống chế lãi vay tác động xấu tới kết quả kinh doanh. Công ty kiểm toán đánh giá, nếu Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 20 cho kỳ 6 tháng đầu năm 2019, thì công ty này sẽ chịu lỗ tăng thêm khoảng 490 tỷ đồng.

Nghị định sửa đổi vẫn chờ

Khó khăn của Nghị định 20 gây ra cho doanh nghiệp “nội” là lớn, do thế Bộ Tài chính đã tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, việc sửa đổi sẽ thực hiện theo hướng tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + chi phí lãi vay thuần + chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Giới chuyên gia đánh giá, việc nâng mức khống chế từ 20% lên 30% cơ bản xử lý được vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, điều này cho thấy Chính phủ đã có sự lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và có tiếp thu, sửa đổi.

Song, một vấn đề mới được phát sinh. Những khoản thuế đã đóng trong năm 2017, 2018 có được hoàn trả cho doanh nghiệp?

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng, tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.067 tỷ đồng. Năm 2018, số chi phí lãi vay được trừ là 14.041 tỷ đồng, tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn trả là 2.808 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số liệu này chưa bao gồm tiền lãi tương ứng, tiền chậm nộp từng kỳ quyết toán đến nay, không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chi phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra kiểm tra trong thời gian tới. Với tổng số kinh phí phải hoàn là hơn 4.875 tỷ đồng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã giao Bộ Tài chính ký tắt dự thảo Nghị định 20 sửa đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong ngày 20/4/2020 với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018.

Trong bối cảnh phải gồng để chống dịch Covid-19, con mắt nhiều doanh nghiệp đang đổ dồn về khoản tiền hồi tố. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua kể từ mốc thời gian trên, vẫn chưa một văn bản chính thức nào được công bố cho dù dự thảo đã có và chủ trương rộng lối. Trước đó, nguyên nhân chưa thông qua được Bộ Tài chính công bố, khoản tiền hồi tố theo Nghị định sửa đổi hiện chưa có nguồn để thanh toán cũng như sẽ phát sinh tiêu cực khi áp dụng.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top