Số hóa bất động sản giúp doanh nghiệp làm chủ thị trường

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian gần đây, nhiều startup công nghệ bất động sản (BĐS) đã ra mắt và gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Tận dụng cơ hội từ dịch họa

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách mà mọi thứ vận hành bình thường đồng thời xác lập, thúc đẩy những chuẩn mực mới cho nền kinh tế, trong đó công nghệ được xem là “phao cứu sinh”. Các doanh nghiệp BĐS nhanh nhạy, đã không chấp nhận “chết chìm” cùng dịch bệnh, đã tăng cường số hóa hoạt động BĐS, mở ra một cơ hội thổi bùng làn sóng số hóa lĩnh vực BĐS mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhìn nhận về cơ hội xuất phát từ hoàn cảnh có phần “éo le” này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nhiều sàn giao dịch phải tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn lớn. Thế nhưng, các chủ đầu tư đã liên tục đưa công nghệ, thiết bị mới vào các dự án bất động sản như công trình xanh, hệ thống vận hành 4.0, hay lớn hơn nữa chính là Smart City. Nhờ vậy, khách hàng có thể yên tâm nhờ sự tiện lợi và minh bạch thông tin dự án mà mình đang quan tâm, thông qua ứng dụng công nghệ 4.0.

Đồng quan điểm, bà Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Group cho biết, hiện các doanh nghiệp BĐS đã có những bước tiến rất nhanh trong việc chuyển đổi số. Chẳng hạn như một dự án tại Phú Quốc của tập đoàn Vingroup từ khi còn nằm trên giấy đã được số hóa cả dự án thành một sa bàn ảo đến từng căn hộ lên điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử. Qua đó, khách hàng có thể theo dõi từng chi tiết của dự án, quan sát hướng của các căn hộ.

Ghi nhận cho thấy, thời gian gần đây, hàng chục doanh nghiệp bất động sản lớn đã dồn tiền tỷ đầu tư xây dựng các nền tảng ứng dụng công nghệ của mình. Đơn cử, Tập đoàn Hưng Thịnh - nhà phát triển dự án và môi giới bất động sản tại TPHCM, mới đây đã công bố chi 10 triệu USD vào Proptech - ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản, với tham vọng tạo ra một nền tảng có thể phục vụ cho tất cả chủ thể tham gia thị trường bất động sản.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến này trong một khoảng thời gian đủ dài, cộng với sự am hiểu thị trường, Hưng Thịnh tin rằng sản phẩm công nghệ mang đặc thù riêng này sẽ được thị trường đón nhận”, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói và thông tin thêm, ứng dụng dự kiến ra mắt vào năm 2021.

Với Sunshine Group - nhà phát triển dự án bất động sản có trụ sở ở Hà Nội đã chọn hướng tiếp cận khác, đó là tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng. Theo đó, ngoài chức tăng quản lý, ứng dụng Sunshine App của Sunshine Group còn tích hợp tính năng dành cho đối tượng quan tâm tới đầu tư tài chính hay giáo dục. Một trong các tính năng gây chú ý của Sunshine App là cho phép “mua chung” bất động sản khi khách hàng có thể tham gia đầu tư với số vốn từ 100 triệu đồng. Theo như quảng cáo của Sunshine, giải pháp này có thể mang lại cho khách hàng mức lợi nhuận 14 - 15%/năm.

Ngoài những doanh nghiệp nói trên, nhiều tên tuổi khác trong ngành như Vinhomes, Gamuda Land, Vạn Phúc Group… cũng đang tích cực đầu tư số hóa hệ thống để không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, định vị khách hàng mục tiêu, mà còn thu thập dữ liệu về hành vi mua bán, quản lý hiệu quả dự án thông qua phân lớp cho đội ngũ kinh doanh, theo dõi các khoản trả trước…

Công nghệ giúp kết nối giữa người bán người mua bất động sản trong mùa dịch Covid-19.

Công nghệ giúp kết nối giữa người bán người mua bất động sản trong mùa dịch Covid-19.

Xu hướng tất yếu

Theo phân tích của hầu hết các chuyên gia lĩnh vực đầu tư tài chính, xu hướng ứng dụng công nghệ vào kinh doanh nhà đất là xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh trong các năm tới, thậm chí có thể làm thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn trong nước. Ở góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định rằng, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam tương đối chậm so với các ngành, lĩnh vực khác.

Theo ông Lực, các ngân hàng lâu nay đã hợp tác với các Công ty Fintech để tạo nên hệ sinh thái kinh doanh tiền tệ, bất động sản không còn con đường nào khác là phải tích hợp Proptech để phát triển. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản khi chuyển đổi số là nguồn nhân lực có nền tảng về công nghệ không cao, nếu giải được bài toán này thì sẽ nâng cao được lợi thế cạnh tranh.

“Thị trường hiện nay đặt dưới góc nhìn công nghệ thì không còn khái niệm "cá lớn nuốt cá bé" nữa, mà là "cá nhanh ăn cá chậm", mà muốn nhanh và đột phá thì chỉ có đẩy mạnh áp dụng công nghệ”, ông Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam cho rằng, nền tảng công nghệ và niềm tin khách hàng là 2 rào cản chính mà doanh nghiệp bất động sản cần phải vượt qua khi thực hiện chuyển đổi số. Theo ông Kiệt, nếu hạn chế về công nghệ có thể sớm bù đắp thì niềm tin khách hàng là thách thức khó giải quyết trong một sớm một chiều, bởi giá trị của một sản phẩm bất động sản không hề nhỏ với đa số người mua, cộng thêm các yếu tố về văn hóa, phong thủy... là lý do khiến những người đi mua nhà luôn muốn “xem tận mắt, sờ tận tay”. “Rất nhiều chủ đầu tư đã đầu tư mạnh vào công nghệ như một kênh hỗ trợ, tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái kinh doanh bất động sản đã có sẵn, nhưng để có thể thay thế hệ thống môi giới truyền thống thì cần thêm nhiều thời gian”, ông Kiệt nói.

Từ góc độ doanh nghiệp bất động sản, việc đầu tư các nền tảng công nghệ cần phải tính toán đường dài. Mặc dù hiện nay lĩnh vực này nhận được sự quan tâm lớn của cả các quỹ nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, nhưng độ bền tăng trưởng thì ít có những dự báo chính xác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tính toán chiến lược đầu tư cho proptech phù hợp để một mặt vừa cân đối được hiệu quả đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường vừa xây dựng được niềm tin của khách hàng trong không gian kinh doanh bất động sản số hóa để phát triển bền vững chứ không chỉ “bạo phát, bạo tàn” theo từng trào lưu, giai đoạn.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top