Riêng trong quý 4/2020, SHB đạt 805 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế cả năm, SHB đạt 3.412 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12,8% so với năm 2019 và hoàn thành 104% kế hoạch năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019. Tăng trưởng tín dụng năm 2020 của SHB đạt 15%.
Để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank, SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Đến tháng 10/2020, SHB đã hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB giảm xuống mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay. Tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trong các năm tiếp theo, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.
Cũng trong năm 2020, SHB tiếp tục triển khai các hạng mục của trụ cột 2 về quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn. Đến nay, SHB đã hoàn tất toàn bộ các hạng mục của ICAAP, đáp ứng tuân thủ sớm toàn bộ 3 Trụ cột của Basel II so với quy định. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất theo Basel II đạt 10,2% cao hơn so với quy định của NHNN (>8%).
Năm 2021 với SHB được xem là năm bản lề, khép lại quá trình sáp nhập Habubank, xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập.
Ban lãnh đạo của SHB cho biết, sang năm 2021, ngân hàng sẽ đẩy mạnh công nghệ số, hiện đại hóa ngân hàng bên cạnh quản trị rủi ro và bám sát các tiêu chuẩn quốc tế để hình thành một ngân hàng số với hệ sinh thái số.