Theo công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam đã chi khoảng 550 triệu USD cho quảng cáo trực tuyến. Trong đó, 66,7% số tiền này là chi vào Google và Facebook (qua Facebook khoảng 235 triệu USD, qua Google khoảng 152,1 triệu USD).
Cơ quan chức năng cho biết hiện Facebook và Google chưa đóng thuế cho nguồn doanh thu từ Việt Nam. Nhiều nội dung quảng cáo trên mạng xã hội của doanh nghiệp ngoại này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng không được gỡ bỏ dù đã có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Lý do vì có tiền quảng cáo nên Facebook vẫn cho các nội dung này tồn tại. Điều này khiến Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa không quản lý được thị trường quảng cáo trực tuyến.
Trong hoạt động tại Việt Nam, Facebook đang vi phạm pháp luật khi cho quảng cáo 4 nhóm sản phẩm. Gồm cho quảng cáo tiền giả, bán vũ khí, vật liệu cháy nổ, buôn bán người, buôn bán hàng giả, hàng giả hàng hiệu. Facebook cũng đang được sử dụng để quảng cáo buôn bán pháo, động vật hoang dã, cờ bạc...
Mặt khác, Facebook đang không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các fanpage hoạt động xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Mà vẫn cho tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, fanpage, nhóm.. có nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước. Lý do vì Facebook cho phép người dùng mua quảng cáo tự do không qua kiểm duyệt nội dung, không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra và từ đó gián tiếp tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật.
Để chấn chỉnh, cơ quan chức năng cho biết sẽ yêu cầu Facebook phải phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý các hoạt động thanh toán, nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong thỏa thuận giữa các nhà cung cấp dịch vụ phía Việt Nam và Facebook.
Hiện, phía Việt Nam đang tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật và sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế-kỹ thuật cần thiết, nhằm đảo bảo một môi trường mạng trong sạch, lành mạnh.