Sau vụ trẻ rơi từ ban công tầng 12A chung cư: Phụ huynh cần lưu ý những gì?

(khoahocdoisong.vn) - Vụ việc bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12A chung cư PVV Vinapharm, số 60B đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội là một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh có con nhỏ khi sống ở những chung cư cao tầng. Các gia đình cần lưu ý lắp đặt rào chắn, lưới bảo vệ tại ban công, cửa sổ… để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Nguy hiểm rình rập tại ban công

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông băng qua tường rào, trèo lên mái tôn để đỡ bé gái thoát chết trong gang tấc đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng.

Vụ việc xảy ra chiều 28/2, trên địa phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Cụ thể, vào khoảng 17 giờ 30, bé N.P.H. (SN 2018) ở tầng 12A của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 12A. Lúc này một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán.

Một nam thanh niên đang đứng gần đó phát hiện sự việc nên đã trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé gái khi bé H. rơi xuống. Rất may mắn, cháu bé chỉ bị thương tích.

Hình ảnh bé gái 3 tuổi trèo qua lan can ban công được chia sẻ trên mạng xã hội.

Hình ảnh bé gái 3 tuổi trèo qua lan can ban công được chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo thông tin từ công an phường Thanh Xuân Trung, người dân và gia đình đã đưa bé gái đến Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu. Được biết, cháu bé bị gãy tay và chân, sức khỏe tạm thời ổn định. Nam thanh niên cứu giúp cháu bé tên là Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội), làm nghề chở hàng.

Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến việc trẻ em rơi từ ban công, cửa sổ chung cư cao tầng xảy ra, có bé may mắn thoát chết trong gang tấc nhưng có bé thì tử vong. Các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thường là trẻ em ở độ tuổi còn nhỏ, hiếu động.

Nguyên nhân do gia đình bất cẩn, để trẻ nhỏ chơi một mình không có người lớn trông, các bé chưa nhận thức về sự nguy hiểm, rất hiếu động, hay leo trèo. Thêm vào đó, ban công, cửa sổ không được bảo vệ che chắn. Tại ban công các nhà chung cư thường là khu để giặt giũ, phơi đồ, trồng cây cảnh, những đồ vật này có thể khiến cho trẻ leo trèo được lên ban công, cửa sổ. Các gia đình cần lắp đặt rào chắn cho lan can, cửa sổ; cất hết các đồ dùng có thể khiến trẻ leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Người lớn cần phải trông chừng và giám sát thường xuyên, luôn để mắt đến trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, những gia đình có trẻ nhỏ phải luôn ở bên cạnh trẻ, không để trẻ chơi một mình.

Chủ động phòng tránh tai nạn

Những vụ tai nạn như vậy phần lớn xảy ra do cửa sổ thường không có chấn song, lưới bảo vệ, ban công thì không có rào chắn. Ngoài ra, việc kê xếp đồ đạc trong nhà thiếu tính toán cũng là một nguyên nhân.

Hiện nay, hầu hết chỉ số an toàn tại nhà chung cư đều đã được thiết kế theo quy chuẩn. Các lan can đều cao ngang ngực người lớn. Nhưng một số nhà chung cư lại không cho lắp đặt song chắn tại lô gia và cửa sổ để đảm bảo lối thoát an toàn khi xảy ra cháy nổ, thuận lợi cho công tác cứu hỏa. Song việc này lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Sau khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc trẻ em rơi từ chung cư cao tầng xuống đất, chuyên gia lên tiếng cảnh báo đối với cư dân đang sống tại các tòa nhà chung cư ở các thành phố lớn, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.

Để đảm bảo an toàn cho các bé, chúng ta cần nâng cao nhận thức hiểu biết cho các bé cũng khi tiếp cận các khu vực nguy hiểm trên. Giáo dục và nhắc nhở thường xuyên với trẻ về mức độ nguy hiểm khi chơi những khu vực đó. Khóa cẩn thận các lối ra ban công và cửa sổ.

Tránh để trẻ nhỏ chơi một mình ngoài ban công hay cửa sổ không có rào chắn vì tâm lý hiếu động, nghịch ngợm của các bé sẽ dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra.

Những giải pháp để giảm thiểu sự cố tai nạn cho trẻ em ở nhà cao tầng như làm hàng rào đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ ngăn cách nơi vui chơi trong căn hộ với cửa sổ, ban công, lan can. Phải bảo đảm lan can cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10 - 12,5cm.

Không nên kê các đồ hộp, khối hoặc đồ vật dễ di chuyển tại các khu vực lô-gia, hành lang, lan can, cửa sổ của tòa nhà. Cất hết những đồ dùng có khả năng leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ của chung cư để đảm bảo an toàn cho trẻ. Di chuyển bàn, ghế và các chậu cây ra khỏi những khu vực này bởi trẻ rất thích leo trèo khám phá.

Được biết, trước thực trạng hàng loạt sự cố trẻ em bị rơi từ chung cư xuống đất, tử vong thương tâm, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc bảo đảm an toàn sử dụng, an toàn sinh mạng con người ở các công trình, tòa nhà.

Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng của Sở: phòng Quản lý xây dựng, cấp phép xây dựng, rà soát giải pháp thiết kế các công trình công cộng và nhà ở. Trong đó, đặc biệt lưu ý về quy cách thiết kế cầu thang, hành lang, lô gia, thiết kế cửa sổ, hệ thống vách kính ngoài nhà bảo đảm an toàn sử dụng, an toàn sinh mạng con người theo quy chuẩn về nhà ở và công trình công cộng.

Theo Đời sống
back to top