Vào thời điểm chuyển mùa, cảm lạnh là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn yếu.
Ảnh minh họa.
Cảm lạnh là tên gọi chung của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus. Nếu bé có những triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục thì có thể bé đã bị cảm lạnh. Mẹ đừng quá lo lắng, các bác sĩ cho biết một em bé sinh ra khỏe mạnh có thể bị cảm lạnh đến 6 lần trong năm đầu đời. Bởi giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân khiến bé bị cảm lạnh là xung quanh có rất nhiều virus từ bố mẹ, anh chị hoặc ở trường mầm non. Bé có thể mắc bệnh nhiều hơn trong mùa đông vì đây là thời gian virus lây lan. Vì vậy, bố mẹ cần ghi nhớ những mẹo sau để có thể phòng ngừa cảm lạnh cho bé.
1.Giữ vệ sinh
Mẹ nên lau dọn sạch sẽ nhà cửa và những vật dụng bé thường xuyên sử dụng để phòng ngừa vi khuẩn. Máy điều hòa, máy sưởi,… cần được bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ. Không khí và môi trường không sạch làm kích thích niêm mạc mũi, họng của bé, làm tăng khả năng bị bệnh.
Với các em bé sơ sinh, mẹ hãy yêu cầu mọi người rửa tay sạch trước khi chạm vào trẻ, bởi ai cũng đều có thể mang mầm bệnh trên tay. Việc rửa tay sạch giúp giảm thiểu số lượng vi khuẩn tiếp xúc vào cơ thể bé. Các bé đang trong độ tuổi khám phá, mẹ cũng nên cho bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Nên cho bé súc miệng nước muối hàng ngày, rửa trôi chất nhầy và vi khuẩn giúp bé phòng bệnh.
2.Hạn chế đưa bé đến nơi công cộng
Đưa bé ra ngoài dạo chơi thưởng thức không khí trong lành hoàn toàn khác với việc đến những nơi công cộng, nơi có rất nhiều người tụ tập. Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, bố mẹ nên giữ bé sơ sinh tránh xa đám đông, một số loại virus gây ra triệu chứng cảm lạnh ở người lớn và trẻ em có thể đe dọa tính mạng trẻ như virus RSV.
3.Giữ nhiệt độ cơ thể bé ổn định
Khi cảm thấy cơ thể bé bị lạnh, mẹ cần cho bé mặc thêm áo, bôi tinh dầu tràm, dầu khuynh diệp… và giữ cho nhiệt độ cơ thể bé ổn định, tuy nhiên cũng không ủ ấm quá mức làm bé ra mồ hôi cũng gây cảm lạnh.
Đi tất khi ngủ là một thói quen tốt mà mẹ nên tập cho bé. Ở lòng bàn chân có huyệt dũng tuyền đã được Đông y ghi nhận có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Khi đi ngủ, mẹ cần đảm bảo giữ ấm ngực, lưng, bụng, bàn chân của bé.
Tắm nước gừng là phương pháp giúp giữ ấm cơ thể cho bé để phòng và trị bệnh cảm lạnh. Ngoài ra, trong lúc tắm, trẻ sẽ hít hơi nước gừng làm lưu thông hốc mũi, tăng sức đề kháng. Thời gian tắm cho bé lý tưởng nhất là từ 5-10 phút, sử dụng lượng gừng vừa đủ tránh làm nóng rát da bé gây khó chịu, dị ứng.
Nếu thời tiết quá lạnh không thể tắm được, bố mẹ có thể cho bé ngâm chân bằng nước gừng ấm trong khoảng 20 phút cũng có tác dụng phòng ngừa cảm lạnh, tăng tuần hoàn máu, giải độc cho trẻ.
4.Tiêm phòng đầy đủ
Trẻ trên 7 tháng có thể tiêm vắc xin cúm để phòng ngừa một số chủng cúm, trong đó có cảm lạnh do virus. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể bị cúm dù đã tiêm phòng, virus cúm có vô số chủng loại. Việc tiêm vắc xin sẽ ngăn ngừa các chủng cúm trẻ mắc phải không kết hợp với các chủng có trong vắc xin khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
5.Tăng cường chế độ dinh dưỡng
Mẹ nên cho bé ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng, trái cây và rau xanh giàu vitamin để tăng sức đề kháng, hạn chế ăn các thực phẩm lạnh. Bạn hãy cho trẻ uống nhiều nước, mọi cơ quan trong cơ thể đều cần đến nước để hoạt động tốt hơn. Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống 1 ly mật ong vào mỗi buổi sáng, mật ong có chứa chất bioactivators làm khả năng miễn dịch của cơ thể.
6.Trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ chứa kháng thể sẽ giúp xây dựng hệ thống miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi bệnh. Ngay cả khi trẻ bị bệnh, kém ăn thì cũng vẫn nên duy trì nguồn sữa mẹ để tăng khả năng chống chọi với vi khuẩn, giúp trẻ chiến đấu với bệnh dễ dàng hơn, nhanh khỏi hơn.
MT(Tổng hợp)