Sai phạm ở Thủ Thiêm là bài học đau xót cho cả nước

(khoahocdoisong.vn) - Kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ nêu hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan. Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vụ việc này để lại nhiều bài học đau xót trong quản lý của các địa phương.

Kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ nêu hàng loạt sai phạm của UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan. Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vụ việc này để lại nhiều bài học đau xót trong quản lý của các địa phương.

Bản chất là tham nhũng

Ngày 26/6, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM. Nhiều sai phạm đã được chỉ ra, ông đánh giá thế nào về mức độ vi phạm trong vụ việc này?

Sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, dự án, thi công công trình… thì có nhiều, nhưng đa phần là những sai phạm lẻ tẻ. Mức độ sai phạm ở Thủ Thiêm là sai có tính hệ thống, ở các cơ quan từ địa phương tới trung ương. Đau xót là những sai phạm ấy kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhưng không được giải quyết, không được lắng nghe. Hệ quả là người dân chịu bao nhiêu oan ức, thiệt thòi, rồng rắn kéo nhau đi kiện cáo. Đến mức có cả “làng Thủ Thiêm ở Hà Nội”. Có lẽ chưa bao giờ có một vụ việc nào sai nghiêm trọng trong quản lý, liên quan đến nhiều cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành như thế.

Cụ thể là những sai phạm gì, thưa ông?

Đơn giản là chuyện tự ý sửa lại quy hoạch, giấu nhẹm bản quy hoạch cũ đã được Thủ tướng ký đi rồi báo là làm mất. Điều này là không đúng thẩm quyền của Thành phố, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Rồi chuyện chỉ định thầu đối với các doanh nghiệp, chuyện đền bù giá đất cho người dân quá thấp, có quá nhiều sai phạm dẫn đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ số tiền chênh lệch lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Rồi việc lập quy hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông nội đô không trình các cấp có thẩm quyền…. Đó là những sai phạm có hệ thống, từ cấp xã phường đến quận huyện, thành phố, bộ ngành, trung ương.

Lỗ hổng quản lý ở đây là gì? Phải chăng do cán bộ chưa nắm được luật, hay do luật chưa bao quát được thực tế mà dẫn đến sai phạm?

Tất cả những việc làm đó là đúng hay sai thì ai cũng phải biết. Nhưng vì sao người ta làm ngơ, bao che, giấu nhẹm cho nhau hàng chục năm trời? Bản chất của vụ việc là tham nhũng. Vì tham nhũng, vì lợi ích quá lớn mà người ta mới sửa quy hoạch, rồi chỉ định thầu, rồi đền bù giá thấp, không thỏa đáng. Trong khi chính doanh nghiệp tham gia thì hưởng lợi cả trăm, nghìn tỉ đồng. Nước mắt người dân thì vẫn cứ tuôn rơi. Đừng nói vì cơ chế, vì luật chưa kín kẽ, hay vì cán bộ chưa hiểu luật… mà dẫn đến vi phạm.

Hàng loạt cán bộ sẽ bị xử lý

Như ông nói, sai phạm này có tính hệ thống, hẳn nó cũng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của nhiều người?

Đúng thế, chắc chắn nếu xử lý tận gốc những sai phạm thì cán bộ từ cấp xã phường đến thành phố, cán bộ chuyên trách theo dõi địa phương ở bộ ngành, cán bộ quản lý ở trung ương… sẽ đều phải bị xử lý. Xem sai phạm diễn ra trong các nhiệm kỳ nào, ai là người lãnh đạo, chỉ đạo các sai phạm, ai bao che cho sai phạm… sẽ đều phải bị xử lý hết. Không thể xử lý một cách khơi khơi rồi lại luân chuyển cán bộ sang địa phương, ngành khác.

Người dân Thủ Thiêm đã hài lòng với kết luận thanh tra?

Tôi nghĩ rằng không gì có thể bù đắp được những mất mát mà người dân phải chịu trong suốt hàng chục năm qua. Những cái sai có thể sẽ được sửa, người làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, nhưng những mất mát của người dân thì không bù đắp được. Nước mắt, đắng cay, tủi nhục, những số phận người bị thay đổi, vùi dập… là không gì có thể bù đắp được. Thế nên sẽ khó có một giải pháp nào để thỏa mãn tất cả những mất mát ấy. Chỉ có điều thực thi pháp luật thì phải làm đúng, khách quan, ai sai đến đâu phải bị xử lý đến đấy.

Đừng bỏ quên người dân

Theo ông thì bài học nào trong quản lý nói chung từ vụ việc Thủ Thiêm?

Mấu chốt ở đây là những người gây ra sai phạm trong hệ thống đó không quan tâm đến lợi ích của dân. Họ để mặc người dân thích kiện cáo thế nào thì kiện. Bài học ở đây trong quản lý là phải làm đúng, lắng nghe dân, vì dân mà làm chứ đừng vì túi tiền của mình. Đừng bỏ quên người dân trong quản lý. Đừng vì bất cứ lý do gì để gạt người dân sang một bên, cố ý làm những điều sai trái. Một khi đã có sai phạm thì không thể tránh được trách nhiệm.

Vụ việc kéo dài đã nhiều năm, phải chăng lãnh đạo nhiều thời kỳ ở TPHCM đã không lắng nghe dân?

Chính vì xa dân thành ra những yêu cầu bức xúc của người dân đã không được những người lãnh đạo cao nhất của TP HCM giai đoạn trước quan tâm giải quyết. Chỉ khi bức xúc của người dân đến tột đỉnh và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về làm Bí thư Thành ủy TPHCM vụ việc mới được giải quyết. Với thái độ quyết liệt của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, khi nào những người đứng đầu thực sự vì lợi ích của dân thì khó mấy cũng giải quyết được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hàng loạt sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể kể đến:
Các cơ quan chức năng liên quan của thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM phê duyệt chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu với lý do loại bớt một số chi phí cho các hạng mục công trình đã được phê duyệt quy hoạch có tổng giá trị là hơn 17.000 tỷ đồng. Việc làm này không đầy đủ và không đúng quy định. Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
UBND TPHCM đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12,18 nghìn tỷ đồng cho dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định; qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến 30/9/2018 là hơn 26.300 tỷ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị Thủ Thiêm là hơn 4.200 tỷ đồng.
Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top