Ra khỏi danh sách “nước đang phát triển”: Rủi ro từ... thành tích

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hưởng quy chế quốc gia đang phát triển. Việc bị Mỹ loại khỏi danh sách này khiến nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam sẽ mất đi nhiều quyền lợi về thương mại quan trọng chứ không phải các khoản trợ cấp.

Không có tiêu chí phân loại của WTO

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây đưa nhiều quốc gia ra khỏi danh sách các nước “đang phát triển” vì cho rằng quy định được cập nhật gần nhất vào năm 1998 “đã lỗi thời”. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7/2019 chỉ thị chính quyền cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tự tuyên bố là “nước đang phát triển” để tận dụng những ưu đãi về thương mại toàn cầu.

Việc Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước hưởng quy chế quốc gia đang phát triển có thể khiến các nền kinh tế mất đi một số quyền lợi về thương mại.

Theo WTO các thành viên có quyền tự tuyên bố là “nước phát triển” hay “nước đang phát triển”. WTO không đưa ra định nghĩa hay tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, các thành viên khác trong WTO có thể phản đối quyết định của những nước tuyên bố. Hiện nay, có gần 2/3 trong tổng số 164 thành viên WTO tuyên bố là “nước đang phát triển”.

Tuy nhiên, USTR đưa ra 3 tiêu chí riêng để nhìn nhận các nền kinh tế thuộc dạng “đang phát triển” gồm: tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người; tỷ trọng của nền kinh tế đó trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, và liệu nền kinh tế đó có phải là thành viên của nhóm những nước phát triển hay không.

Theo cách tiếp cận mới của Mỹ, để được xem là nước đang phát triển, thị phần thương mại của nước đó phải thấp hơn mức 0,5% tổng thương mại thế giới. Mặc dù GNI bình quân đầu người của Việt Nam thấp, nhưng theo dữ liệu từ WTO, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 lần lượt đạt 242,6 tỷ USD (chiếm 1,3% thị phần toàn thế giới) và 235,5 tỷ USD (1,19%). Cả hai đều cao hơn mức 0,5%.

Một số quốc gia bị loại khỏi danh sách trong thông báo của USTR, bao gồm Brazil, Singapore và Hàn Quốc, đã chủ động đồng ý từ bỏ quyền của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, động thái của Mỹ nhắm tới mục tiêu chính là Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc đang hưởng những ưu đãi to lớn khi tự nhận là nước đang phát triển, dẫn đến những bất lợi cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam là nạn nhân bị cuốn vào cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Danh sách các nước bị Mỹ xóa bỏ ưu đãi gồm có: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraina. Chính quyền Mỹ từ lâu đã muốn chấm dứt các ưu đãi đặc biệt này với các quốc gia nằm trong một số nhóm nước khác, như G20, OECD hoặc các nước được Ngân hàng Thế giới (WB) coi là thu nhập cao.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng không công bằng đối với Việt Nam khi nhìn vào danh sách các nước cùng bị loại khỏi nhóm nước đang phát triển. Việt Nam hiện nay không thể so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... Đưa Việt Nam đứng vào “hàng ngũ” những nước này là hết sức khập khiễng và thiệt thòi cho Việt Nam. Việt Nam phải mất vài thập niên nữa mới đuổi kịp tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên đầu người của Hàn Quốc, Singapore hay  Malaysia.

Mặt hàng tôn thép đã được Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Mặt hàng tôn thép đã được Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Nhiều bất lợi

Đại diện Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, việc thay đổi phương pháp đánh giá quốc gia đang phát triển của USTR liên quan đến áp thuế chống bán phá giá. Vì thế, việc loại khỏi danh sách “nước đang phát triển” có thể dẫn đến các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ở khía cạnh điều tra chống trợ cấp, theo quy định của WTO, các chính phủ phải chấm dứt điều tra chống trợ cấp nếu biên độ trợ cấp là không đáng kể (dưới 1% giá trị hàng hóa). Với các nước đang phát triển, mốc này là dưới 2%. Tuy nhiên, 7 cuộc điều tra chống trợ cấp của Mỹ với Việt Nam đến nay, Mỹ đều kết luận Việt Nam có trợ cấp, và mức trợ cấp đều trên 2%.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc Mỹ “dán nhãn” Việt Nam như trên là chưa hợp lý. Việt Nam cần phải chứng minh thực tế nội tại nền sản xuất của mình và đề nghị phía Mỹ xem xét lại.

Bà Lan cho rằng, Mỹ đã dựa trên các con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam để xác định như trên. Tuy nhiên, con số này lại không phản ánh đúng thực lực sản xuất nội tại của đất nước, mà thực tế là khối đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp tới 70% vào thành tích này. Phần lớn doanh nghiệp FDI đều nhập nguyên phụ liệu, linh kiện vào Việt Nam gia công, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu. Họ chỉ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, giá thuê đất thấp... Do vậy, kim ngạch xuất khẩu thực chất không mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam.

Không ít ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã dựa vào FDI một thời gian quá dài, trong khi sự hưởng lợi từ đó thì ít, mà bị lợi dụng thì nhiều. Việt Nam cần tránh ngộ nhận thành tích xuất khẩu của FDI, thay vào đó phải tìm cách thúc đẩy phát triển nội lực.

Qua việc này, các chuyên gia cũng cảnh báo, Việt Nam cần có những biện pháp mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển, “sơ chế” hàng hóa trước khi xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế. Điều này không những gây nguy hại cho nền kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam cũng sẽ liên đới bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ quốc gia nhập khẩu.

Hiện nay, thực tế, Việt Nam vẫn được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ WTO với các thành viên. Một số nước trong danh sách bị Mỹ loại kiến nghị rằng, tiêu chí của USTR là chưa chuẩn xác, cần xem xét trên các tiêu chí như y tế, giáo dục, việc làm, môi trường và xóa đói giảm nghèo.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top