Quyết liệt cổ phần hóa, 7 tháng chỉ "chốt" được 6 doanh nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020 chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 6 doanh nghiệp (DN). Từ giờ đến cuối năm chỉ còn 5 tháng nữa nhưng số đơn vị còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch là 91 doanh nghiệp. Có thể thấy, công cuộc hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020 là một nhiệm vụ bất khả thi.

Ì ạch vì sợ trách nhiệm?

Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 6 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tính lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp (tương đương 71% kế hoạch). Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 Tổng Công ty), TPHCM có 38 doanh nghiệp (11 Tổng Công ty), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty), Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 Tổng Công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng Công ty) và Bộ Xây dựng có 2 Tổng Công ty.

Theo nhận định của Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai. “Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.

Về tình hình thoái vốn, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 7/2020: thoái 25.630 tỷ đồng, thu về trên 172.800 tỷ đồng.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm. Đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện... “Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh

Cục Tài chính doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán.

Thúc đẩy tiến độ bằng cởi bỏ cơ chế?

Theo Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Tại văn bản này, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục thoái vốn, kèm theo các mốc "giới hạn chót" (trước 31/8, 30/11 và 31/12) yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện. Nếu vượt quá các cột mốc trên, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc về với Danh mục doanh nghiệp xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Từ giờ đến cuối năm chỉ còn 5 tháng nữa nhưng số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch là 91 đơn vị. Như vậy, với lượng lớn doanh nghiệp đang xếp hàng chờ cổ phần hóa, bối cảnh thị trường chứng khoán không nhiều thuận lợi khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... mục tiêu kế hoạch của năm 2020 đang dần trở nên khó đạt, nếu không nói là sẽ không thể đạt được.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta, hệ quả của việc thoái vốn, cổ phần hóa là giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. “Mặc dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng hoạt động thoái vốn giúp cho doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi tăng lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước” - báo cáo nhận định.

Tại cuộc họp liên quan đến cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước vừa diễn ra, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã nhấn mạnh việc sửa đổi các nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN.

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã đề xuất một số vấn đề liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp; vấn đề thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn; xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị xác định giá trị văn hóa, lịch sử trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án tách riêng nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP) thành Nghị định riêng để trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)…

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ở Việt Nam còn hiện tượng tư duy nhiệm kỳ rất nặng, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc, chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện cổ phần hóa. Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đến hết năm 2020, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn... Cùng với đó, cơ quan chức năng cần xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm cơ sở để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Đời sống
Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Agribank- vun trồng “mầm xanh”, gieo những hy vọng

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Agribank đã trở thành biểu tượng cho sự đồng hành giữa tài chính và cộng đồng. Hơn 4 vạn cán bộ, nhân viên Agribank đang ngày ngày gieo những "hạt mầm xanh" cho ngành giáo dục – những hạt giống sẽ lớn lên.
back to top