Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) đã phối hợp với Trung tâm hành động liên kết vì môi trường – Change tổ chức Hội thảo “Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí tại TP. HCM”.
GS.TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết theo thống kê của WHO, nồng độ trung bình năm của thành phần bụi mịn PM2.5 ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28mg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10mg/m3. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
Giao thông tạo ra nguồn phát thải khí ô nhiễm lớn tại Hà Nội và TPHCM. |
Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi khí hậu, cho biết hoạt động giao thông của thành phố chiếm phát thải đến 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm 46%…Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống.
Còn hoạt động công nghiệp của thành phố chiếm 22% trong tổng số phát thải SO2, bụi chiếm 21%. Đặc biệt đến nay, TPHCM không còn khả năng tiếp nhận khí thải đối với CO, NOx tại một số khu vực trung tâm.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quy định đối với vấn đề quản lý chất lượng không khí của Việt Nam còn thiếu nghiêm ngặt so với các nước trên thế giới, có những tiêu chí cao hơn gấp đôi so với tiêu chuẩn của WHO, chẳng hạn như: PM10 và PM2.5.
Các chuyên gia môi trường kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng hướng tính toán phát thải, các quy định phát thải và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều ngành, từ đó làm cơ sở để cấp phép xả thải và tiến tới thu phí khí thải đối với các chủ nguồn thải.