Người dân lo lắng, hoang mang. Nhưng chính quyền Hà Nội thì chưa có động thái gì để cảnh báo, hạn chế tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này.
Cảnh báo hạn chế ra đường
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong mấy ngày gần đây đã ở mức nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất, chỉ số ô nhiễm không khí đã lên mức báo động nguy hại, ở mức chưa từng thấy. Nhiều nơi chỉ số AQI đã vượt mức 300. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng nâu theo các tính chỉ số AQI của Mỹ và ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người. Với mức ô nhiễm này, khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả nhóm nhạy cảm là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều phải ở trong nhà.
Hệ thống quan trắc không khí PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng vào sáng 12/11 khi điểm đo ở Hàng Quạt lên ngưỡng nâu là mức nguy hại với chỉ số AQI lúc 6h sáng lên 324. Nhiều điểm đo xấp xỉ ngưỡng nguy hại như Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) là 299, điểm đo Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy) là 295. Hầu hết các điểm đo của hệ thống này ở ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Tình trạng ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình-hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.
Trước tình trạng này, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường hoặc đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 khi ra ngoài.
Có một nguồn giấu mặt gây ô nhiễm?
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cho biết, trong nhiều năm nghiên cứu về chất lượng không khí, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến chỉ số ô nhiễm cao như vậy. Với mức ô nhiễm này, Hà Nội cần ngay lập tức cảnh báo để người dân có cách bảo vệ sức khỏe .
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ trước đến nay như vậy? Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên nhân nghịch nhiệt thường dùng để lý giải cho các lần ô nhiễm không khí trước đây, hiện nay không còn hợp lý. Bởi năm nào cũng có nghịch nhiệt, năm nào cũng có mùa đông, năm nào cũng có bụi mịn, nhưng chưa bao giờ chỉ số ô nhiễm không khí lại cao như vậy.
GS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, nguồn phát thải ô nhiễm có rất nhiều, mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, mỗi km xe chạy, hay mỗi ngôi nhà, công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí. Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Hà Nội cần vào cuộc, làm rõ các nguồn phát thải ra sao, có giải pháp để ngăn chặn lượng phát thải này.
“ Nguyên nhân của ô nhiễm tăng cao một phần bởi Nhà nước đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các thành phố lớn, loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4, ủng hộ thúc đẩy năng lượng sạch. việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định.
Còn TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội thì cho rằng, khí thải từ các khu công nghiệp, nhà máy ở ven đô, thậm chí nhiều làng nghề đang tồn tại ở nội đô đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phương tiện giao thông đang quá lớn, hiện chưa có biện pháp nào để giảm... Chưa tính toán được cụ thể các nguồn phát thải nên chưa thể có giải pháp để xử lý
Tổng cục Môi trường cho biết, Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Ngày 13/11 sẽ có gió mùa và có mưa, tình trạng ô nhiễm giảm, nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng. Người dân không mở cửa sổ, hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Tính đến nay, những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu chỉ là những nghiên cứu đơn lẻ và chưa toàn diện, cũng như chưa phản ánh đúng bản chất của hiện tượng ô nhiễm, do cơ quan có thẩm quyền công bố. Phải làm thế nào có thể tập trung nghiên cứu một cách bài bản để có được bộ số liệu tốt thì mới có thể đánh giá chính xác chất lượng không khí và tìm ra được giải pháp khắc phục.
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm dung dịch hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho rằng, đã đến lúc chính quyền Hà Nội phải vào cuộc, không thể để mặc người dân lo lắng đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. “Sự thờ ơ của chính quyền khiến người dân còn bức xúc hơn cả tình trạng ô nhiễm không khí. Sự thờ ơ này có thể hiểu là bởi chính quyền cũng chưa có giải pháp nào, kể cả các nhà khoa học cũng vậy. Chính quyền cũng không thể im lặng, mà cần có các giải pháp mạnh tay ngăn chặn các nguồn phát thải, không để tình trạng ô nhiễm cứ gia tăng mãi.