Quản lý bệnh nhân Covid-19 qua tổng đài y tế

(khoahocdoisong.vn) - Bên cạnh hình thức điều trị tập trung, việc quản lý các ca nhẹ từ xa qua tổng đài y tế hứa hẹn sẽ mang đến nhiều ưu điểm, dễ tiếp cận, giảm chi phí và áp lực cho ngành y tế, giảm sang chấn tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ mau chóng lành bệnh và hoà nhập lại cuộc sống cộng đồng.

Luôn sẵn sàng khi bệnh nhân cần

Sự lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng là nguyên nhân chính đưa đến sự quá tải tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Đại dịch Covid-19 là chiến trường không thể né tránh trong tình hình hiện nay, nhưng làm sao cho chiến trường ấy trở nên nhẹ nhàng, ít thương vong nhất là trách nhiệm lớn mà ngành y tế đang gánh vác.

Trong bối cảnh đó, các bác sĩ thuộc Đại học Y Dược TPHCM đã tham gia tư vấn qua tổng đài y tế, thí điểm đầu tiên cho một số khu vực quận 10, nhằm giúp theo dõi và chăm sóc online cho các bệnh nhân F0 tại nhà. Tổng đài đã đi vào hoạt động được hơn một tuần lễ, bước đầu đã đạt được sự ổn định và giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân.

Quản lý các ca F0 nhẹ từ xa qua tổng đài y tế hứa hẹn dễ tiếp cận, giảm chi phí và áp lực cho ngành y tế. Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3 TPHCM.

Quản lý các ca F0 nhẹ từ xa qua tổng đài y tế hứa hẹn dễ tiếp cận, giảm chi phí và áp lực cho ngành y tế. Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3 TPHCM. 

Các bác sĩ luân phiên nhau trực tổng đài, phân chia số lượng bệnh nhân cần theo dõi tại nhà. Mỗi bác sĩ sẽ có 1 - 2 bạn sinh viên cùng tham gia để trợ giúp. Tuy rằng, đa số bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ, nhưng thỉnh thoảng các bác sĩ vẫn phải đối mặt với các ca lớn tuổi, bệnh nền đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa để đánh giá. Vấn đề khó khăn nhất là chỉ theo dõi qua điện thoại hoặc các phần mềm như Zalo, do đó có khi bác sĩ đang ăn cơm hay nghỉ ngơi cũng phải trong tư thế sẵn sàng bắt cuộc gọi của bệnh nhân.

BS Nguyễn Bình Thư, giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch cho hay, vấn đề căng thẳng nhất khi theo dõi bệnh nhân tại nhà là khi có tình trạng trở nặng. “Nửa đêm, con của một bệnh nhân F0 (75 tuổi, bị tăng huyết áp) gọi: Bác sĩ ơi, bố tôi bắt đầu thở gấp… Kiểm tra qua màn hình trực tuyến, nhịp tim của bệnh nhân lên đến 103, độ bão hòa oxy trong máu chỉ còn 75%. Ngay lập tức, tôi phải liên lạc với các tuyến điều trị ở tầng trên để chuyển viện nhanh chóng cho bệnh nhân. Do tình trạng quá tải nên rất khó tìm được bệnh viện còn trống giường. Sau khi đưa được bệnh nhân đi, tâm trạng mới phần nào nhẹ nhõm. Những ngày sau đó, tôi liên lạc lại tiếp với bệnh nhân để biết họ vẫn bình an và được chăm sóc tốt tại tuyến trên”.

Theo dõi qua điện thoại hoặc các phần mềm như Zalo, có khi bác sĩ đang ăn cơm hay nghỉ ngơi cũng phải trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của bệnh nhân.

Theo dõi qua điện thoại hoặc các phần mềm như Zalo, có khi bác sĩ đang ăn cơm hay nghỉ ngơi cũng phải trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của bệnh nhân. 

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, chuyên gia về bệnh hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một trong những người đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng quy trình theo dõi các ca F0 tại nhà qua tổng đài y tế cho biết: “Việc theo dõi bệnh nhân từ xa sẽ làm giảm tải cho ngành y tế, giúp các bệnh viện điều trị Covid-19 có thể dồn sức lo cho các ca nặng. Bệnh nhân có cảm giác thoải mái hơn so với việc cách ly tập trung, nhất là đối với những người cao tuổi. Mỗi ngày, bệnh nhân và bác sĩ sẽ liên lạc nhau khoảng 2 lần để đánh giá tình hình sức khoẻ, bổ sung lại thuốc men cho phù hợp. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì của các bác sĩ tham gia, kiến thức không chỉ bó hẹp trong chuyên khoa hô hấp mà còn phải điều chỉnh cả các bệnh lý nền như đái tháo đường hay bệnh tim mạch cho bệnh nhân”.

Lan truyền năng lượng tích cực để tránh hoang mang lo lắng

Theo ThS.BS Bùi Diễm Khuê, chuyên gia về tâm lý và y học giấc ngủ, một trong những tác giả biên soạn phần Tâm lý cho sổ tay Covid-19, các rối loạn tâm lý rất thường gặp ở bệnh nhân F0 hoặc người nhà.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, chuyên gia về bệnh hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, là một trong những người đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng quy trình theo dõi các ca F0 tại nhà qua tổng đài y tế.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, chuyên gia về bệnh hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, là một trong những người đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng quy trình theo dõi các ca F0 tại nhà qua tổng đài y tế.

Do bệnh lý còn quá xa lạ so với những hiểu biết của người dân, cộng thêm với tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội nên tình trạng lo lắng và hoang mang rất phổ biến. 

ThS.BS Bùi Diễm Khuê khuyên mọi người nên dành thời gian cho việc tự chăm sóc bản thân hơn, có thể thư giãn với yoga, âm nhạc hoặc những sở thích mới. Mọi người nên kết nối với nhau thường xuyên hơn qua mạng xã hội để chia sẻ cảm xúc, lan truyền năng lượng tích cực và giúp đỡ nhau khi cần thiết. Đối với những thông tin tiêu cực, người dân nên gạn lọc và giảm thời gian theo dõi để tránh những căng thẳng không đáng có.

Người dân cũng có thể tập thiền dựa trên chánh niệm là một cách thức dễ thực hiện và mang lại hiệu quả, trong đó người thực hành sẽ tập trung vào hơi thở, để tâm trí trống rỗng, trút sạch những suy tư.

ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh, giảng viên Bộ môn Dược lý chia sẻ, rất nhiều bệnh nhân F0 liên lạc về tổng đài trong tâm trạng rất hoảng sợ. Bác sĩ khi tiếp nhận cuộc gọi cũng gặp rất nhiều khó khăn mới có thể trấn an được cho họ. Một bệnh nhân nam 66 tuổi, sống trong một chung cư bị phong toả tại quận 10. Ban đầu, bệnh nhân rất lo lắng, bức xúc và không tin vào việc bản thân bị nhiễm virus, thậm chí còn lớn tiếng với bác sĩ. Bác sĩ đã phải trấn an bệnh nhân cùng gia đình rất lâu, cung cấp thêm thông tin để giúp họ vượt qua được những ức chế về tâm lý, chấp nhận tham gia điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn cụ thể của tồng đài y tế... 

Các giai đoạn tâm lý phản ứng với đại dịch ở người bệnh và người bị tác động bởi Covid-19.

Các giai đoạn tâm lý phản ứng với đại dịch ở người bệnh và người bị tác động bởi Covid-19.

Trong tình hình hiện nay, những khủng hoảng về tâm lý trong đại dịch đang trở thành nguy cơ trở nặng và tử vong cho các bệnh nhân. Lắng nghe, xoa dịu và giúp bệnh nhân nhận ra được vấn đề, tin tưởng và  hợp tác điều trị sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng vượt qua và khoẻ lại.

Đây không chỉ là nhiệm vụ của các bác sĩ, mà còn là hành động của cả cộng đồng, cùng nhau chung tay lan tòa năng lượng tích cực đến những người đang hứng chịu trực tiếp đại dịch.

Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng đã xây dựng “Sổ tay sức khỏe Covid-19”. Tất cả mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng với sổ tay, kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu, hình ảnh minh họa sống động. Toàn bộ sổ tay gồm 6 phần: Phần 1 giới thiệu chung về Covid-19, phần 2 bàn về vệ sinh khử khuẩn, phần 3 chỉ cách hô hấp vận động thích hợp khi mắc bệnh, phần 4 nói về dinh dưỡng, phần 5 giúp người bệnh tự đánh giá tâm lý, phần 6 hướng dẫn tự theo dõi chăm sóc tại nhà.

Ngoài ra, trong sổ tay cũng có danh sách các đường dây tư vấn tâm lý miễn phí để người dân có thể tham khảo và gọi đến trong những trường hợp cảm thấy quá buồn bã, tuyệt vọng hay bất lực với tình trạng đại dịch đang xảy ra.

Niềm vui của các bác sĩ tham gia tổng đài đều gắn liền với những kết thúc có hậu của bệnh nhân. Những chiến sĩ áo trắng ấy vẫn âm thầm lặng lẽ đóng góp sức mình vào chiến dịch phòng chống Covid-19 tại thành phố mang tên Bác. Nếu chương trình này thành công, đó sẽ là hình mẫu để nhân rộng ra cho các địa phương khác.

ThS.BS Lê Quốc Tuấn (Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top