Ngày 27/9, đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng, cho biết bốn xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước đã tập kết về trụ sở Bộ chỉ huy, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru. Khi bão đổ bộ, các xe bọc thép sẽ làm song song hai nhiệm vụ: chở lãnh đạo đi thị sát tình hình trong bão và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống nhà dân bị nạn, sự cố.
Xe thiết giáp tập trung tại Bộ chỉ huy quân sự thành phố, sẵn sàng ứng cứu dân trong bão Noru. Ảnh: Hoàng Tuấn |
"Xe thiết giáp mới di chuyển an toàn trong bão", đại tá Vinh nói, cho biết trong các đợt bão trước đây, xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng cũng được huy động đi giúp dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cũng phối hợp với bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển quản lý, nắm số lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển, thông báo, vận động hơn 1.200 phương tiện di chuyển vào nơi neo đậu, tránh trú bão.
Bộ chỉ huy cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hơn 1.200 bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia giúp dân chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão, cắt tỉa cây xanh trên địa bàn và di dời hơn 20.000 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tại Quảng Nam, trung tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết đã huy động hơn 1.000 dân quân trên tất cả các huyện thị cùng tham gia sơ tán dân, giúp dân bảo vệ tài sản, cưa cắt cây cối, gia cố công trình nhà cửa chống bão.
"Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã thành lập ba tổ chỉ huy, sẵn sàng cơ động quân, huy động 6 xe thiết giáp cơ động về vùng xung yếu và bổ sung thêm 6 xuồng ứng phó", ông Thắng nói.
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến chiều 26/9, Bộ Quốc phòng đã huy động khoảng 245.000 cán bộ chiến sĩ, trong đó có hơn 40.000 bộ đội, 203.000 dân quân. Cùng với đó, hơn 2.900 phương tiện gồm nhiều ôtô, xe đặc chủng, tàu, xuồng các loại cũng được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận điều hơn 1.000 cán bộ, chiên sĩ, 10 phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ di dời 130 hộ dân đến nơi an toàn, chẳng chống 404 nhà dân và các phòng học tại sáu trường.
Các lực lượng cũng hỗ trợ gia cố, chằng buộc 228 bè trên hơn 2.200 lồng nuôi trồng thủy sản; thu hoạch năm ha hoa màu các loại, kéo khoảng 1.600 tàu thuyền loại nhỏ lên bờ; neo buộc, sắp xếp cho 1.800 tàu, thuyền các loại, gia cố hơn 440 m đê, kè bờ biển.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng có điện chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để chủ động ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.
BĐBP tỉnh Quảng Trị triển khai phòng, chống bão số 4 ngày 26/9. Ảnh: Bộ đội biên phòng. |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến trưa 26/9, các đơn vị tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã duy trì 2.600 cán bộ, chiến sĩ với 257 phương tiện tham gia xử lý các tình huống khi bão Noru đổ bộ.
Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã hướng dẫn cho 57.800 phương tiện, gần 300.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động vòng, tránh ra khỏi vùng nguy hiểm. Các lực lượng cũng kêu gọi khoảng 7.300 người cùng hơn 5.000 lồng bè nuôi thủy sản vào bờ. Trong đó, riêng khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, giữa Biển Đông - quần đảo Trường Sa gần 180 tàu và 1.400 người; đã neo đậu tại các bến 50.300 tàu và 251.000 người.
10h sáng nay, bão Noru cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 310 km, sức gió mạnh nhất 183 km/h, cấp 14-15. Đến 19h hôm nay, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 170 km, cách Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120 km, sức gió mạnh nhất 183 km/h, cấp 15, giật cấp 17.
Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam tháng 9/2006; bão Ketsana vào Quảng Nam - Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009.