Bờ và đê hữu Lô đoạn qua xã Hùng Long (Đoan Hùng - Phú Thọ) sạt lở nghiêm trọng hồi tháng 9/2022. Ảnh: Vĩnh Phú. |
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 1435/UBND-CNXD truyền đạt chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2286/BNN-TL ngày 12/4/2023.
Trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau như tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 10/4/2023 và Văn bản số 1668/UBND-KTN ngày 13/5/2022 về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo bảo đảm an toàn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phân loại, đánh giá và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, thủy lợi, gây bức xúc trong nhân dân. Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phối hợp trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Cải tạo, nạo vét, tận thu khoáng sản bên hữu ngạn sông Chảy đoạn qua xã Hùng Xuyên (Đoan Hùng - Phú Thọ). Ảnh Vĩnh Phú. |
Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý hồ, đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về việc phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai. Nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền cấp Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 12/5/2023, lấy ý kiến của Sở Tư pháp trước khi đề xuất.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cũng được giao tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Báo cáo tình hình thực hiện với Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh theo quy định, công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đảm bảo ngăn chặn không để phát sinh mới và xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm, nhất là các vụ vi phạm mới phát sinh gây mất an toàn hồ, đập.
Các công trình xây dựng trên hành lang đê điều, không gian thoát lũ thuộc đê tả Lô, xã Hợp Nhất (Đoan Hùng - Phú Thọ). Ảnh: Vĩnh Phú. |
Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBNDtỉnh về kết quả thực hiện trên địa bàn, đồng thời, tiếp tục giao trách nhiệm cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Trước đó, Cục Đê điều và phòng chống thiên tai ra Thông báo số 03/TB-ĐĐ-QLĐĐ ngày 10/4 về kết quả thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, công tác tu bổ, nâng cấp đê và công tác quản lý đê điều năm 2023. Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Văn bản số 2286/BNN-TL ngày 12 tháng 4 năm 2023 về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.