Phối hợp liên viện xạ trị cấp cứu cho bệnh nhân ung thư di căn

Trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, Khoa Xạ trị, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 đã điều trị theo chế độ cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân ung thư phổi di căn xương.

Bệnh nhân là L.H.B (nam, 39 tuổi, quê tại Lấp Vò, Đồng Tháp) được chẩn đoán ung thư phổi di căn xương điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM), tình trạng di căn xương cột sống – tủy sống ngực tại vị trí D5-D6 gây yếu nhanh 2 chân và rối loạn đại tiểu tiện.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược xử trí ban đầu chống phù tủy, bất động, các chuyên gia ngành ngoại thần kinh, nội khoa ung bướu khám, chẩn đoán và đề nghị xạ trị. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược đã nhanh chóng liên hệ tới Khoa Xạ trị, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân tham vấn về chỉ định xạ trị.

Dù đang ngày mồng 3 Tết nhưng nhận định tình trạng tổn thương tủy sống của người bệnh là cấp tính, Khoa xạ trị, Viện Viện Ung bướu và Y học hạt nhân đã tiến hành khởi động quy trình cấp cứu, hệ thống trực và tham vấn. Bệnh nhân đã được Bệnh viện Đại học Y dược vận chuyển đến Bệnh viện quân y 175 vào lúc 15h30 phút cùng ngày.

Khoa xạ trị, Viện Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện quân y 175 đã tiếp nhận và nhanh chóng thực hiện các biện pháp chuyên môn. Kíp trực chính và kíp trực tham vấn có mặt đầy đủ, tiến hành khám, đánh giá và hội chẩn. Tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, không có rối loạn về hô hấp, tuần hoàn.

Tuy nhiên, 2 chân đã yếu bại, đau nhiều tại xương cột sống, nằm xe cáng, chỉ có thể nhúc nhích được ngón chân, không nhấc chân lên khỏi mặt giường được, kèm theo rối loạn đại tiểu tiện không tự chủ.

Theo nhận định của bác sĩ, tình trạng tổn thương tủy sống đoạn D5-D6 là nguyên nhân gây triệu chứng nặng nề, bệnh tiến triển nhanh, nguy cơ sẽ gây liệt hoàn toàn và vĩnh viễn 2 chân kèm theo rối loạn đại – tiểu tiện cho bệnh nhân cả đời. Bệnh nhân cần được xạ trị cấp cứu vào vùng di căn cột sống, nếu để quá 48 tiếng thì tình trạng bệnh sẽ đáp ứng kém, khó hồi phục.

Vào 17h cùng ngày, bệnh nhân đã được kíp trực quyết định xạ trị cấp cứu 8Gy vào đoạn cột sống – tủy sống mức D3-D7 kèm theo chống phù tủy và chăm sóc nâng đỡ – giảm nhẹ các triệu chứng toàn thân khác.

Là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật xạ trị cho bệnh nhân, Thiếu tá, Thạc sĩ, BS Phạm Thành Luân, Khoa Xạ trị, Viện Viện Ung bướu và Y học hạt nhân cho biết: “Sau 3 ngày vào viện, đến mùng 6 Tết, bệnh nhân đã giảm đau tại vị trí cột sống được xạ trị, và đặc biệt là sức cơ 2 chân bệnh nhân đã cải thiện rõ, từ việc phải nằm chỉ nhích được ngón chân, nay bệnh nhân đã có thể tự đứng lên đi những bước ngắn, có cảm giác kiểm soát đại – tiểu tiện. Bệnh nhân đã được xuất viện chuyển lại Viện Ung bướu và Y học hạt nhân để tiếp tục điều trị.”

Sau 3 ngày vào viện, đến mùng 6 Tết, bệnh nhân đã giảm đau

Sau 3 ngày vào viện, đến mùng 6 Tết, bệnh nhân đã giảm đau

Thượng tá, Thạc sĩ, BS Nguyễn Thành Công, Chủ nhiệm Khoa Xạ trị, Viện Viện Ung bướu và Y học hạt nhân cho biết thêm : “Tuy trước tết toàn bộ bệnh nhân xạ trị theo chương trình đã được xuất viện về nhà đón Tết, nhưng để sẵn sàng thu dung cấp cứu điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống, đặc biệt là với các trường hợp có chỉ định điều trị cấp cứu, Khoa Xạ trị luôn bố trí kíp trực với đầy đủ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng thường trực tại khoa và bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên trực tham vấn sẵn sàng điều động vào Bệnh viện làm nhiệm vụ khi được yêu cầu.

Hệ thống trang thiết bị như máy xạ trị, máy mô phỏng, hệ thống lập kế hoạch một mặt được bảo dưỡng, niêm phong đảm bảo an toàn, chất lượng, một mặt luôn sẵn sàng để khi có bệnh nhân có thể triển khai ngay. Và nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị, Khoa xạ trị đã điều trị theo chế độ cấp cứu thành công cho một bệnh nhân ung thư trong dịp tết Giáp Thìn vừa qua”.

Theo Đời sống
back to top