Gạo vàng. |
Gạo vàng, được nghiên cứu và phát triển thông qua dự án hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lúa gạo (DA-PhilRice) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), có chứa hàm lượng beta-carotene cao - thành phần có thể chuyển hoá thành vitamin A trong cơ thể con người.
TS Jean Balié, Tổng Giám đốc của IRRI - một trung tâm nghiên cứu thuộc CGIAR, cho biết: “Bước tiến quan trọng này đã đưa Philippines trở thành quốc gia dẫn đầu trên thế giới trong việc thúc đẩy cải tiến nghiên cứu nông nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng và các tác động liên quan đến sức khỏe một cách an toàn và bền vững. Sự thành công trong việc thông qua quy định về gạo vàng thể hiện sự đi đầu trong nghiên cứu của DA-PhilRice cũng như sự tiến bộ của hệ thống quản lý an toàn sinh học của Philippines”.
Gạo vàng là giống cây được tạo ra từ ứng dụng kỹ thuật biến đổi gene, tăng cường hàm lượng beta carotene và có thể cung cấp tới 50% nhu cầu trung bình ước tính (EAR) của hàm lượng vitamin A ở trẻ nhỏ - nhóm tuổi dễ bị thiếu hụt vitamin A nhất ở Philippines. Giống gạo này đã được các cơ quan quản lý ở Úc, New Zealand, Canada và Hoa Kỳ cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; tuy nhiên Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép canh tác thương mại. Hiện tại, Bangladesh cũng đang trong các bước phê duyệt cuối cùng để phê duyệt giống gạo này.
TS John de Leon, Giám đốc Điều hành của DA-PhilRice cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ thiết lập một chương trình quản lý và đảm bảo chất lượng gạo vàng một cách toàn diện, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ hệ thống sản xuất hạt giống cho đến quy trình chế biến sau thu hoạch và cuối cùng là triển khai kế hoạch tiếp thị, đưa sản phẩm ra thị trường”.
Gạo vàng được phát triển đầu tiên bởi hai giáo sư Ingo Potrykus và Peter Beyer vào cuối những năm 1980. IRRI đã trở thành đơn vị đầu tiên cấp phép các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các nhà khoa học vào năm 2001.
Bên cạnh dự án về gạo vàng, Chương trình Gạo giàu dinh dưỡng (Healthier Rice Program) của IRRI hiện đang phát triển loại gạo chứa hàm lượng sắt và kẽm cao (HIZR), với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một giống lúa chứa cả beta-carotene, sắt và kẽm có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng đang tác động tới sức khoẻ của hơn hai tỷ người trên toàn thế giới.
Tuần qua, Vụ Quản lý ngành thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA-BPI) cũng đã ban hành quyết định phê duyệt cho sự kiện cà tím biến đổi gene EE-1 để sử dụng làm thực phẩm trực tiếp, thức ăn chăn nuôi và trong chế biến. Với sự phê duyệt này, Philippines là quốc gia thứ 2 sau Bangladesh chứng nhận tính an toàn của cà tím biến đổi gene. Bangladesh đã cấp phép canh tác cà tím biến đổi gene từ năm 2014.
Le Pham