Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 đường thủy nội địa sẽ đảm nhận 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng khách qua cảng đạt 9,5 triệu lượt. 50% số lượng cảng thủy nội địa phục vụ du lịch được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn xếp loại dịch vụ và đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ 3 - 5 cảng thủy nội địa.
Đến năm 2030, đường thủy nội địa đảm nhận 55 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượng khách qua cảng đạt 20 triệu lượt. 100% số lượng cảng thủy nội địa phục vụ du lịch được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn xếp loại dịch vụ và đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ 5 - 10 cảng thủy nội địa.
Khu vực phía Bắc ưu tiên đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch tại các địa điểm du lịch tâm linh (Chùa Hương, Bái Đính…), du lịch biển đảo (Tuần Châu, Cẩm Phả…) và du lịch lòng hồ (hồ Núi Cốc, hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sơn La…).
Khu vực miền Trung tập trung đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch tại các danh lam, thắng cảnh mang tầm quốc tế (Phong Nha - Kẻ Bàng, sông Hương…) và du lịch sinh thái, biển đảo (Cù lao Tràm, đảo Lý Sơn…).
Khu vực phía Nam sẽ đầu tư hệ thống cảng đường thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch sinh thái, sông nước (sông Tiền, sông Hậu, sông Sài Gòn...) và du lịch lòng hồ (hồ thủy điện Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An...).
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất giải pháp kết nối giữa cảng thủy nội địa hành khách với đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không bao gồm hoàn thiện hệ thống đường bộ kết nối tới các cảng thủy nội địa, xây dựng các công trình hạ tầng kết nối tại các cảng thủy nội địa như bãi đỗ xe cá nhân, bãi đỗ xe du lịch, điểm đầu cuối xe buýt. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kết nối đa phương thức tại các cảng đường thủy nội địa ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển gồm: Quảng Ninh (Hạ Long), Hải Phòng (đảo Cát Bà), Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế (Chân Mây), TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang (đảo Phú Quốc)...