Phát huy vai trò, sáng kiến của các tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 18/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2019 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.

Ngày 18/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2019 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu. TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống y tế công bằng, dân tộc, đại chúng, chất lượng và hiệu quả và hội nhập quốc tế. Với lợi thế tập hợp các chuyên gia và hoạt động có hiệu quả, các tổ chức xã hội đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, chính phủ tin cậy, giao triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả của quỹ bảo hiểm y tế; Tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm).

Nhiều tổ chức xã hội đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các dự thảo Luật: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Bảo hiểm y tế, Luật chuyển đổi giới tính, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, LUật phòng chống tác hại của rượu, bia.Chỉ tính riêng dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) đã tham dự 10 hội thảo, tổ chức và phối họp tổ chức 5 hội thảo, viết 8 thư kiến nghị gửi cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức xã hội tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe cộng đồng. "Đến năm 2035, nước ta đã chuyển sang dân số già. Già nhưng chưa giàu. Đó là một thách thức thực sự của Việt Nam. Tuổi thọ bình quân được nâng cao hơn nhưng người cao tuổi Việt Nam đang sống chung với bệnh tật rất lớn. Tuổi trẻ làm ăn, tiết kiệm được thì khi có tuổi lại bỏ ra cho các chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe. Đây là thách thức trong xã hội và phải xã hội hóa lĩnh vực này. Các tổ chức xã hội phải là tiên phong và sẽ làm tốt vấn đề này. Nhưng các tổ chức xã hội chỉ làm tốt khi có những chính sách tốt ban hành kèm theo" - ông Phong nhận định.

Theo Đời sống
back to top