Phanh điện từ là ý tưởng của Nguyễn Việt Trinh, trường THPT Krông Nô, Đăk Nông.Thông thường, để làm giảm tốc độ của một chi tiết cơ học thì người ta dùng lực ma sát. Tuy nhiên, lực ma sát luôn sinh ra nhiệt và làm mài mòn gây hư hỏng chi tiết.
Để tránh nhược điểm này, ta có thể dùng lực điện từ được sinh ra bởi dòng điện Fucô khi khối kim loại chuyển động trong từ trường và cắt các đường sức từ của từ trường đó để thay thế một phần hoặc hoàn toàn cho lực ma sát.
Phanh điện từ có thể ứng dụng trong việc chế tạo phanh, hãm của ô tô, xe máy và các động cơ máy lớn nhằm làm giảm việc hỏng hóc các chi tiết máy quan trọng.
Với ý tưởng này, Nguyễn Việt Trinh đã thiết kế và chế tạo ra mô hình phanh điện từ để thay thế cho các loại phanh hiện tại đang dùng trong ô tô và xe máy. Cấu tạo của phanh điện từ gồm có: Một đĩa nhôm có bề dày 2,5cm đường kính 28cm; 6 nam châm điện; trục quay bằng thép, một động cơ điện một chiều một pha công suất 370W để tạo chuyển động cho đĩa nhôm.
Sản phẩm hoạt động theo nguyên lý: Động cơ làm quay đĩa nhôm ở tốc độ cao, khi đó chúng ta bóp phanh làm cho các rơle điện từ được đóng lại và cấp điện cho các nam châm điện tạo ra từ trường mạnh có đường sức từ xuyên qua đĩa nhôm.
Đĩa nhôm quay trong từ trường của nam châm và cắt các đường sức từ nên trong đĩa nhôm xuất hiện dòng Fucô, dòng điện này lại sinh ra từ trường chống lại chiều quay của đĩa nhôm làm giảm tốc của đĩa nhôm lại đến khi dừng hẳn lại.
Phanh điện từ có thể ứng dụng trong việc chế tạo phanh, hãm của ô tô, xe máy và các động cơ máy lớn nhằm làm giảm việc hỏng hóc các chi tiết máy quan trọng. Ngoài ra, nó còn là mô hình phục vụ giảng dạy giúp cho học sinh nắm bắt được kiến thức nhanh và sâu hơn.
T.Hà